Ðó là khẳng định của ít nhất 3 bạn đọc khi phản ánh với Báo Người Lao Ðộng về tình trạng chây ì lập ban quản trị (BQT) ở những chung cư mà họ đang sinh sống. Theo những bạn đọc này, sau vụ cháy ở chung cư Carina (quận 8), UBND TP HCM đã có Chỉ thị 04, trong đó đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, phấn đấu 100% chung cư ở TP có BQT. Ðọc chỉ thị này, 3 bạn đọc trên rất vui nhưng khi nghĩ đến hành trình "đằng đẵng" đòi thành lập BQT là lại bức xúc.
Tung chiêu để chây ì
Một trong 3 bạn đọc trên tên Thanh nói anh vốn là cư dân của chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7). Chung cư này do Công ty CP Ðức Khải làm chủ đầu tư và hàng ngàn cư dân bắt đầu vào ở từ tháng 4-2014 nhưng đến nay vẫn chưa có BQT. Chờ mãi không thấy chủ đầu tư có động tĩnh gì thì cư dân tổ chức phản đối và khiếu nại lên phường và quận. Lúc này, chủ đầu tư lại chia chung cư thành 2 khối: A và B, mỗi khối có nhiều block nên phải tổ chức cho từng block một. Cuối năm 2016, chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị ở block B2 để thể hiện "thiện chí" đối với toàn cư dân. Tiếp sau đó, các block khác được tổ chức nhưng ít người tham gia bởi thành phần đề cử vào BQT là những "người lạ" mà cư dân cho rằng do chủ đầu tư "cài" vào. Và thực tế này hiện vẫn tiếp diễn dù chính quyền TP đã ban hành Chỉ thị 04.
Ở chung cư Topaz City (phường 4, quận 8) do Công ty CP Kinh doanh nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư tình hình cũng chẳng khá hơn. Theo chị Hạnh (cư dân chung cư Topaz City), chủ đầu tư đưa cư dân vào ở từ tháng 4-2017 nhưng đến nay vẫn không tổ chức hội nghị nhà chung cư. Các cư dân bức xúc, yêu cầu làm việc với chủ đầu tư thì không có ai đứng ra nói chuyện mà chỉ đưa ban quản lý ra làm việc. Tiếp đó, người dân viết đơn khiếu nại lên phường thì phường trả lời chưa thể can thiệp.
Theo lý giải của UBND phường, 2 block B1 và B2 của chung cư có chung khối đế, trong khi block B2 mới đưa dân vào ở từ tháng 11-2017 nên phải chờ đến hết 1 năm, phường mới có trách nhiệm đứng ra can thiệp nếu chủ đầu tư cố tình không lập BQT. "Vậy sao lúc giao nhà, chủ đầu tư không chờ 2 block hoàn thành rồi mới đưa người vào ở. Ðây có phải là cách mà chủ đầu tư "câu giờ" để sử dụng tiền quỹ bảo trì chung cư của các cư dân?" - chị Hạnh bức xúc.
Tương tự, chung cư Giai Việt (quận 8), Khang Gia (quận Gò Vấp) cũng chưa có BQT dù cư dân vào ở từ nhiều năm và đến nay họ chẳng có động thái nào xúc tiến để thành lập BQT, dù chính quyền đã yêu cầu đến cuối năm nay phải có theo tinh thần Chỉ thị 04.
Chủ đầu tư chung cư Era Town (quận 7, TP HCM) chia nhỏ các block ra để tổ chức hội nghị nhà chung cư hòng kéo dài thời gian hoạt động của ban quản lý do mình lập ra
Càng kéo dài càng nguy hiểm!
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hiện có hơn 100 chung cư đang trong tình trạng tranh chấp ở các mức độ khác nhau trong tổng số gần 1.000 chung cư cao tầng trên địa bàn TP. Trong đó, tranh chấp chủ yếu do chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu BQT.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, phân tích có nhiều lý do dẫn đến việc các ông chủ chung cư kéo dài thời gian thành lập BQT. Ðó là do chủ đầu tư chây ì, không tổ chức hội nghị nhà chung cư vì muốn chiếm dụng 2% quỹ bảo trì. Kế đến là chính quyền địa phương chưa nhiệt tình trong đốc thúc chủ đầu tư và đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư sau 2 lần bất thành. Ông Châu cho rằng việc sớm thành lập BQT là hết sức quan trọng, bởi những người trong BQT là do cư dân lựa chọn chứ không phải chủ đầu tư lựa chọn như ban quản lý. Tiếp theo, nếu cư dân không tin tưởng vào trưởng BQT thì có thể yêu cầu 2-3 thành viên khác cùng đứng tên chủ tài khoản quỹ bảo trì để giám sát việc chi tiêu cho hợp lý.
Theo chị Lê Huỳnh Nga (ngụ block B1 chung cư Topaz City), việc chây ì thành lập BQT ngoài việc thiếu minh bạch có thể xảy ra khiến thiệt hại thuộc về cư dân, còn khiến cư dân sống trong cảnh thấp thỏm trước vấn nạn an toàn cháy nổ mà vụ cháy ở chung cư Carina là minh chứng sống động. "Thành viên BQT là người sống ở chung cư, còn thành viên ban quản lý đa số không ở tại chung cư. Theo đó, cư dân nghi ngờ về việc họ "ngó lơ" các giải pháp an toàn cháy nổ, an ninh trật tự là chuyện không phải không có cơ sở. Như vậy là vô cùng nguy hiểm cho cư dân" - chị Nga nói và kiến nghị các cấp chính quyền phải mạnh tay hơn nữa trong việc bắt buộc các chung cư thành lập BQT.
Chung cư tái định cư rất khó bầu BQT
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Ðức, TP HCM), cho biết phường này đã tổ chức nhiều cuộc họp để bầu BQT cho chung cư Hiệp Bình Chánh nhưng bất thành. Nguyên nhân là do chung cư này thuộc diện tái định cư, không có quỹ bảo trì nên không ai muốn tham gia.
Ngoài ra theo ông Tú, đa phần cuộc sống người dân ở các chung cư tái định cư khó khăn nên nhiều hộ còn nợ cả tiền điện, nước, nói gì đến việc đóng tiền phí quản lý. Kinh phí hoạt động chung cư dựa vào tiền cho thuê các bãi giữ xe nên không ai muốn vào BQT.
Bình luận (0)