Singapore được xem là một trong những nước nghiêm khắc với hành vi xả rác bừa bãi.
Phạt nặng kèm quét dọn đường phố
Kể từ tháng 4-2014, hình phạt dành cho tội này đã tăng gấp đôi. Theo tờ The Straits Times, người vi phạm lần đầu đối mặt mức tiền phạt tối đa là 2.000 SGD (khoảng 32 triệu đồng), vi phạm lần 2 bị phạt tối đa 4.000 SGD. Những lần vi phạm tiếp theo sẽ bị phạt đến 10.000 SGD. Người nào vi phạm 3 lần còn có nguy cơ bị bắt phải quét dọn đường phố trong lúc mang tấm biển ghi dòng chữ “Tôi là người xả rác bừa bãi”. Ngoài ra, người nào khạc nhổ ở nơi công cộng bị phạt từ 1.000-5.000 SGD, tùy theo số lần vi phạm.
Theo thống kê, Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) đã ban hành khoảng 26.000 vé phạt vì hành vi xả rác nơi công cộng trong năm 2015 - con số cao nhất trong vòng 6 năm. Trong số này, 70% trường hợp bị phạt là người địa phương. Đối mặt tình trạng xả rác đang gia tăng, đã xuất hiện đề xuất trang bị cho lực lượng thực thi pháp luật camera mang trên người để ghi lại hành vi sai trái, tăng cường huấn luyện cho tình nguyện viên tham gia ngăn chặn hành vi xả rác và tổ chức các sự kiện làm sạch đường phố quy mô lớn. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Môi trường và Nguồn nước Singapore Vivian Balakrishnan, nhà chức trách sẽ tạo điều kiện để công chúng dễ dàng cung cấp video, hình ảnh có thể được dùng làm bằng chứng tại tòa án để quy tội người xả rác.
Tiền phạt được chia cho người tố giác
Đây có lẽ là điều Singapore muốn học hỏi từ chính quyền TP Đài Bắc ở Đài Loan, nơi những hướng dẫn về cách thức chụp hình, quay video và trình báo hành vi quăng rác bừa bãi ở nơi công cộng được đăng tải trên mạng. Để khuyến khích người dân tham gia đối phó hành vi sai trái này, một phần tiền phạt được chia cho người tố giác.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Jakarta - Indonesia đang đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng, nhất là các con sông của TP. Nhà chức trách gần đây cảnh báo sẽ thực thi nghiêm quy định phạt tiền người vi phạm từ 500.000 đến 5 triệu rupiah (gần 850.000-8,5 triệu đồng). Luật lệ ở TP Makassar, thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi của quốc gia Đông Nam Á này thậm chí còn nghiêm khắc hơn: người vi phạm có thể bị phạt tù từ 7 ngày đến 6 tháng hoặc bị phạt tiền từ 150.000 đến 5 triệu rupiah. Hồi tháng 7-2009, đã có 3 người đầu tiên bị kết án tù vì tội xả rác nơi công cộng ở Makassar - những trường hợp đầu tiên thuộc loại này ở Indonesia.
Các nước có nền kinh tế hàng đầu ở châu Á cũng đang phạt nặng hành vi làm bẩn môi trường công cộng. Theo tờ The Korea Times, luật pháp Hàn Quốc phạt người xả rác từ 30.000-50.000 won (gần 600.000-1 triệu đồng) hoặc cao hơn tùy theo mức độ. Luật pháp Nhật Bản thậm chí còn khắt khe hơn khi người vi phạm có thể bị phạt tù.
Còn tại Anh, nhà chức trách đang xem xét nâng mức tiền phạt dành cho người xả rác từ 80 bảng lên 100 bảng (gần 29 triệu đồng) trong nỗ lực làm trong sạch đường phố. Chính quyền một số địa phương thậm chí còn cân nhắc phạt người lái xe đến 200 bảng ngay cả khi hành khách trên xe mới là người ném rác ra ngoài.
Bình luận (0)