Những ngày qua, dư luận xôn xao trước hình ảnh một người đàn ông chở thi thể bằng xe máy được đăng trên mạng xã hội.
Sốc, xót xa, quặn lòng. Đó là những cảm xúc của bất kỳ ai khi nhìn hình ảnh đó. Thế nhưng, đáng nói hơn là đằng sau tấm hình ấy, còn rất nhiều điều để suy nghĩ về tính nhân đạo, nhân văn, quản lý xã hội...
“Người tiêu xài không hết, người kiếm một đồng không ra. Người nhậu một bữa mấy chục triệu đồng, mua bộ quần áo hàng hiệu cũng cả trăm triệu nhưng cũng có người đến chết mà cái nghèo, cái khổ vẫn đeo bám đến mức không có cả chiếc xe tử tế để đưa thi thể về nhà. Xin hãy nhớ, đồng bào mình vẫn còn nhiều, rất nhiều người nghèo khổ thương tâm lắm để mà chùn tay một chút, nghĩ suy một chút khi vung tiền tiêu xài bởi chỉ cần một ít số tiền phung phí đó cũng giúp được một vài phận đời khốn khổ”- bạn đọc Trịnh Xuân Minh viết.
Còn bạn đọc Trần Huỳnh Quân bức xúc: “Hình ảnh thi thể của chị L.T.P. được bó trong manh chiếu chở trên xe máy đặt ngang với thông tin những dự án nghìn tỉ bỏ hoang, những tập đoàn Nhà nước thua lỗ cũng hàng nghìn tỉ hay hàng loạt địa phương đua nhau xin xây trụ sở hoành tráng ngốn hàng mớ tiền…, sao thấy quá đỗi ngậm ngùi. Còn những hình ảnh như thế này thì rõ ràng đất nước còn quá nghèo, cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho an sinh xã hội chứ không phải chạy theo những dự án nghìn tỉ, những cao ốc chọc trời…”.
Bàn về trách nhiệm của bệnh viện trong việc này, nhiều bạn đọc cho rằng có thể về lý không trách được bệnh viện vì người nhà và gia đình nhất mực xin về, cũng đã làm cam kết không khiếu nại. Thế nhưng theo bạn đọc Lê Hồng Lâm, nếu bệnh viện tận tâm, chu toàn và trách nhiệm hơn, chắc chắn đã không có hình ảnh trên. “Vẫn biết, bệnh viện và nhân viên y tế không thể, không có khả năng và không có trách nhiệm bỏ tiền túi để lo viện phí hay thuê ô tô chở bệnh nhân về. Tuy nhiên, điều trị cho bệnh nhân một thời gian tất cũng phải biết phần nào hoàn cảnh gia đình cũng như bệnh tình của họ. Khi biết bệnh nhân xin về để chờ chết phải ngồi xe máy vượt đoạn đường 120 km, lẽ nào các y- bác sĩ, bệnh viện không làm được việc tối thiểu là quyên góp tiền hoặc linh động giải quyết xe cứu thương để giúp họ một chuyến xe về nhà? Không phải là không có cách nếu thật sự có tình thương như trong câu “Lương y như từ mẫu”.
Cuối cùng, nhiều bạn đọc cũng cho rằng Bộ Y tế cần dành một khoản kinh phí cho bệnh viện sử dụng vào các trường hợp đặc biệt khó khăn bởi chắc chắn bệnh viện nào cũng có những bệnh nhân cần được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận (0)