Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) được đánh giá là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện nhất từ trước đến nay.
Thể hiện tính nhân đạo
Một trong những điểm mới, nổi bật được quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 40 BLHS 2015. Cụ thể: không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Nhiều điểm mới của Bộ Luật Hình sự được đánh giá thay đổi một cách cơ bản. Trong ảnh: Lực lượng "hiệp sĩ" tỉnh Bình Dương bắt nhóm đối tượng chuyên bẻ kiếng ô tô Ảnh: Như Phú
Trường hợp người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ" mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng sẽ không bị thi hành án tử hình mà được chuyển sang hình phạt tù chung thân.
Ngoài ra, BLHS 2015 cũng bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội, trong đó có 5 tội bãi bỏ hoàn toàn, 3 tội được tách ra từ các tội danh khác.
Liên quan đến vấn đề này, khoản 2, điều 2 Nghị quyết 41 của Quốc hội nêu: "Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; trường hợp chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Trường hợp người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c, khoản 3, điều 40 BLHS 2015 thì không thi hành án và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân".
Triển khai nghị quyết này, TAND Tối cao cũng có Công văn số 148 (ngày 12-7-2017) và Công văn 256 (ngày 31-7-2017) gửi TAND các cấp, yêu cầu rà soát lại các trường hợp bị tuyên án tử hình thuộc trường hợp được miễn thi hành án để Chánh án TAND Tối cao xem xét. Với tinh thần này, sẽ có nhiều trường hợp thoát án tử hình. Điều này cũng thể hiện tính nhân đạo của nhà nước đối với người phạm tội.
Sự khác biệt rất cơ bản
Khoản 2, điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều. Ngoài các tội này, cơ quan tố tụng không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người dưới 16 tuổi đối với các tội danh khác. Đây là sự khác biệt rất cơ bản với BLHS 1999. Có thể nêu một số tội điển hình như: giết người (điều 123), cố ý gây thương tích (điều 134), hiếp dâm (điều 141), hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điều 142), cưỡng dâm (điều 143), cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (điều 144), mua bán người (điều 150), mua bán người dưới 16 tuổi (điều 151), cướp tài sản (điều 168), bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169), cưỡng đoạt tài sản (điều 170), cướp giật tài sản (điều 171), trộm cắp tài sản (điều 173)...
Liên quan đến đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội, BLHS 2015 cũng có nhiều điểm rất khác so với BLHS hiện hành. Theo điều 91 BLHS 2015, khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc các biện pháp giám sát không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trước đây, luật quy định trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng hình phạt thì mới áp dụng các biện pháp giáo dục.
Ngoài ra, BLHS 2015 bổ sung 3 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết xử lý hình sự, kể cả khi hành vi của họ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các biện pháp này gồm: khiển trách (điều 93); hòa giải tại cộng đồng (điều 94); giáo dục tại xã, phường (điều 95).
Áp dụng quy định tương ứng
Tội "Cố ý làm trái" là một trong những tội danh có nhiều ý kiến trái chiều nhất trong quá trình thực hiện BLHS 1999. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng tội danh này là cái "túi" để các cơ quan tố tụng sử dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khi không thể quy kết vào tội danh khác.
Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015, tại điểm e, khoản 1, điều 2 đã nêu: "Hành vi cố ý làm trái tại điều 165 của BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999 để xử lý. Nếu sau thời điểm 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội "Cố ý làm trái" quy định tại điều 165 của BLHS 1999 mà áp dụng quy định của BLHS 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử".
Tội "Cố ý làm trái" được quy định tại 9 tội danh tương ứng của BLHS 2015 gồm: Vi phạm quy định về cạnh tranh (điều 217); vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (điều 218); vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điều 219); vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220); vi phạm quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (điều 221); vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (điều 222); thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 223); vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (điều 224) và vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (điều 230).
Không bỏ tội "Cố ý làm trái"
Gần đây nhất là khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái", có nhiều ý kiến cho rằng tội danh này không còn tồn tại trong BLHS 2015 thì sao lại khởi tố? Ở đây, cần phải minh định rạch ròi: tội "Cố ý làm trái" không phải bị bãi bỏ hoàn toàn mà được cụ thể hóa bằng 9 tội danh tương ứng trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Bình luận (0)