Sáng 26-2, hàng chục chủ nợ của Nhà máy Cồn Ethenol Đại Tân (viết tắt là Nhà máy Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thuộc Công ty CP Đồng Xanh đã đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu gặp chủ tịch UBND tỉnh nhờ can thiệp để nhà máy này trả nợ cho họ.
Tại phòng tiếp dân, ông Trương Bốn, chủ nhiệm phòng tiếp dân, cho biết chủ tịch UBND tỉnh đã đi chúc mừng y - bác sĩ ở các bệnh viện nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam nên không thể gặp được. Những chủ nợ trên kiên quyết “cố thủ” trước cổng UBND tỉnh.
Bà Phạm Thị Ngọc Thanh (ngụ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - chủ nợ lớn nhất với gần 6 tỉ đồng - cho biết ngày 21-1, họ viết đơn kiến nghị lần 3 gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng đến nay họ chưa nhận được văn bản trả lời. Trước đó, ngày 25-2, các chủ nợ cũng kéo đến trụ sở của Công ty CP Đồng Xanh (số 25 Thân Cảnh Phúc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và ông Lưu Quang Thái, chủ tịch HĐQT, cho rằng công ty hiện vẫn chưa giải quyết được khó khăn nên chưa thể trả nợ. Hiện tại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Quảng Nam (Nhà máy Đại Tân thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng này) đang làm thủ tục kiện công ty này yêu cầu bán nhà máy để trả nợ. Lo ngại việc nhà máy bị bán đi sẽ không còn khả năng trả nợ nên bà con đã kéo đến đòi gặp chủ tịch UBND tỉnh.
Đến chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, đã phải hoãn một cuộc họp quan trọng để tiếp các chủ nợ. Ông Thanh cho biết từ khi vụ việc xảy ra đến nay, UBND tỉnh đã có 8 văn bản, tờ trình gửi Chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc. Mới đây nhất, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng xem xét gỡ bỏ khó khăn và tái cơ cấu cho Công ty CP Đồng Xanh để sớm khôi phục sản xuất. Ngày 29-1, Văn phòng Chính phủ có công văn phúc đáp rằng đã đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo xử lý theo quy định.
Ông Lê Phước Thanh cho rằng: Sau khi nhận được văn bản, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài chính đăng ký làm việc với Bộ Tài chính để nhanh chóng xử lý vụ việc. UBND tỉnh Quảng Nam rất có trách nhiệm trong vụ việc này và hứa sẽ làm tất cả để các công nhân và chủ nợ đều nhận được tiền. Không có chuyện tòa án đã xử cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Quảng Nam bán nhà máy để lấy nợ. Sau khi nghe chủ tịch tỉnh Quảng Nam giải thích, các chủ nợ mới yên tâm ra về.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau 2 năm đi vào sản xuất, tháng 11-2012, Nhà máy Đại Tân đã phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ và gặp khó khăn về vốn. Hiện tại, nhà máy còn nợ 2 ngân hàng, các đầu mối cung ứng sắn và người cung cấp nhiên liệu... khoảng 700 tỉ đồng; nợ lương người lao động khoảng 21 tỉ đồng. Sự việc trở nên phức tạp khi ông Lưu Quang Thái cho biết công ty không còn khả năng trả nợ.
Bình luận (0)