Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng, có dấu hiệu đua xe và cổ vũ đua xe trái phép tái diễn. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, chỉ tạm lắng khi công an vào cuộc xử lý nghiêm, rồi sau đó lại rộ lên.
Mức phạt nghiêm, vẫn không ngăn được đua xe
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định hành vi đua xe trái phép, lạng lách đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 5 tháng. Ở mức độ nặng, hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử lý hình sự theo điều 266 Bộ Luật Hình sự với án phạt lên tới 10 năm tù. Mức xử phạt như vậy được xem là khá nghiêm khắc. Thế nhưng vì sao nạn đua xe trái phép vẫn có xu hướng gia tăng?
Theo các cơ quan công an, đối tượng tham gia đua xe thường nằm trong độ tuổi từ 15-30, đủ mọi thành phần; tham gia đua xe, cổ vũ đua xe là do đam mê tốc độ, ham vui, bốc đồng, thích thể hiện. Ngoài ra còn có tình trạng các đối tượng đua xe để "định danh" cho lò độ xe.
Đua xe tái diễn còn do chính quyền, các ban, ngành ở một số địa phương xem công tác phòng chống đua xe trái phép là việc của lực lượng công an nên thiếu hoặc chưa triển khai hoạt động phòng ngừa. Nhiều phụ huynh mua xe phân khối lớn cho con nhưng không kiểm tra, nhắc nhở con em về ý thức chấp hành pháp luật, an toàn giao thông…
Đặc biệt, thực tế cho thấy những vụ đua xe mặc dù gây bức xúc trong dư luận nhưng chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính. Ít vụ việc bị xử lý hình sự do gặp nhiều khó khăn để xác định hành vi đua xe trái phép. Chưa kể, lực lượng chức năng các tỉnh, thành giáp ranh nhau chưa có sự phối hợp, dẫn đến tình trạng các đối tượng tổ chức đua xe khi bị xử lý lần thứ nhất ở tỉnh này lại chuyển qua tỉnh khác để đua, nếu bị bắt thì chỉ xem là vi phạm lần đầu nên không xử lý hình sự được.
Một nhóm quái xế ở độ tuổi thanh thiếu niên bị đưa về trụ sở công anẢnh: Ý Linh
Chủ động ngăn chặn
Để ngăn chặn tình trạng đua xe, tổ chức đua xe trái phép, trước tiên phải là trách nhiệm của công an - cơ quan có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Cảnh sát khu vực phải nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách, danh sách các đối tượng có khả năng tổ chức, tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, kích động, gây cản trở, gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông nắm tình hình thông qua các trang mạng xã hội, hệ thống camera giám sát, tuần tra, mật phục, trinh sát hóa trang…, kết hợp với thông tin từ người dân cung cấp để thu thập chứng cứ, có phương án phối hợp với các đơn vị chức năng ngăn chặn ngay từ đầu.
Các trường hợp vi phạm, ngoài xử lý theo quy định của pháp luật, phải thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung. Với các đối tượng vị thành niên, khi bắt được cần sự có mặt của phụ huynh để cam kết, có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe con em mình không tái phạm.
Song song đó, cần thường xuyên rà soát, lập danh sách và kiểm tra các cơ sở sửa chữa xe máy trên địa bàn. Vận động chủ cơ sở cam kết không thay đổi hình dáng, kết cấu xe… Các địa phương cần có sự phối hợp để ngăn chặn các đối tượng đua xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, đó cũng là cơ sở để có thể xử lý hình sự các đối tượng tái phạm.
Để ngăn chặn triệt để nạn đua xe trái phép, cần có sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh cần giám sát con em chặt chẽ, nếu phát hiện xe thay đổi cấu hình, xoáy nòng, móc pô phát âm thanh lớn… thì cần nhắc nhở ngay.
Nhà trường, các cơ sở đoàn, hội nên lồng ghép nội dung tuyên truyền chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các tiết học online, tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi sức trẻ vào tham gia thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng…
Phải dẹp các lò độ xe
Còn những lò độ xe thì sẽ còn có người đua xe. TP HCM từng có thời gian triển khai quyết liệt công tác xử lý các hành vi thay đổi xe ở các lò độ nhưng gần đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.
Bằng chứng là lên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, có thể thấy rất nhiều lò độ xe online hoạt động. Chủ của các lò độ này ngang nhiên chào mời khách, cam kết "xe đạp 3 số có thể giở đầu", "đi với tốc độ hơn 200 km/giờ"... Chính những bài viết này tác động đến suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ.
Vậy nên, cần phải xử lý triệt để các lò độ xe này. Chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực, quản lý thị trường... cần lập tổ công tác để kiểm tra hàng hóa, giấy phép kinh doanh, vận động chủ các cơ sở này cam kết không thực hiện các dịch vụ độ xe... Có như vậy mới có thể kéo giảm được tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chơi xe độ, đua xe.
Bình luận (0)