Điều chỉnh giá dịch vụ KCB với người không BHYT
Tại kỳ họp lần thứ 5 khóa IX, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập thuộc ngành y tế TP HCM.
Cụ thể, các cơ sở KCB công lập của TP HCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình như sau: Đối với các cơ sở KCB công lập tự chủ tài chính hoàn toàn thực hiện giá viện phí mới từ ngày 1-8. Đối với bệnh viện, cơ sở KCB công lập tự chủ tài chính một phần hoặc phụ thuộc ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 1-10.
Về mức giá thu, thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của nhà nước quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BYT. Mức giá KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT gồm: chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng,…) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật).
Chê độ làm việc đối với giáo viên phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1-8. Theo đó, trước đây, Thông tư 28 quy định: "Thời gian nghỉ hè của GV thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)". Nay, Thông tư 15 sửa đổi nội dung trên như sau: "Thời gian nghỉ hè hằng năm của GV là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)". Như vậy, quy định mới làm rõ thêm rằng khoảng thời gian 2 tháng này đã bao gồm thời gian nghỉ phép hằng năm, nhằm phù hợp với quy định tại Bộ Luật Lao động, đồng thời bảo đảm chính sách đặc thù đối với GV.
Ngoài ra, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT còn bổ sung quy định về chế độ làm việc đối với GV trường dự bị đại học. Theo đó, thời gian làm việc của GV trường dự bị đại học là 42 tuần (tương tự GV tiểu học, GV THCS và THPT). GV trường dự bị đại học còn được áp dụng chế độ giảm định mức tiết dạy: GV chủ nhiệm lớp dự bị đại học được giảm 3 tiết/tuần; GV nữ trường dự bị đại học nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được giảm 3 tiết/tuần; tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần.
Một lớp học ở cấp phổ thông ở TP HCM (ảnh: Tấn Thạnh)
Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng
Từ ngày 5-8, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng (quy định hiện hành tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP là 50 triệu đồng). Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.
Như vậy, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản thì người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.
Quy định mới về công khai ngân sách nhà nước
Từ 1-8, việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được NSNN hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Đối với đơn vị dự toán ngân sách cấp trên, Thông tư quy định công khai dự toán thu - chi NSNN, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) được cấp có thẩm quyền giao; nguồn kinh phí khác và phân bổ cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc, các đơn vị được ủy quyền; công khai các căn cứ, nguyên tắc, định mức phân bổ dự toán ngân sách.
Đối với đơn vị sử dụng ngân sách, công khai dự toán thu - chi NSNN, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền giao và nguồn kinh phí khác. ..
Báo cáo dự toán NSNN phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).
Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện NSNN hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.
Thời gian cấp phép xây dựng còn 42 ngày
Ngày 1-8, Sở Xây dựng TP HCM sẽ chính thức triển khai thí điểm thực hiện một cửa liên thông về cấp phép xây dựng thuộc chức năng, thẩm quyền của sở. Theo đó, thời gian cấp phép xây dựng chỉ còn 42 ngày thay vì 122 ngày như trước đây.
Quy trình này được thực hiện cùng một lúc 3 bộ thủ tục là thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng.
Hiện Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát các công việc cần thiết để chính thức triển khai từ ngày 1-8 đến hết tháng 12-2017. Sau đó sẽ tiến hành tổng kết đánh giá điều chỉnh để phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác cấp phép xây dựng. Hết thí điểm, công tác này sẽ được triển khai rộng rãi trên địa bàn TP ở tất cả cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
Bình luận (0)