ÔNG NGUYỄN ANH MINH, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Minh Bằng:
Phải thượng tôn pháp luật
Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Để giảm thiểu TNGT cần phải có trách nhiệm của từng cá nhân và toàn xã hội. Cũng như các lĩnh vực khác, nếu mỗi người tham gia giao thông đều có ý thức thượng tôn pháp luật thì chắc chắn TNGT sẽ giảm, xã hội không còn những cảnh thương tâm vì TNGT.
Một vấn đề gây bức xúc là tình trạng đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực này. Câu chuyện hối lộ CSGT phổ biến đến nỗi mọi người xem như là chuyện bình thường. Những đồng tiền này sẽ dung dưỡng ý thức xem thường pháp luật và đây chính là mầm mống của tai nạn. Nguy hiểm như thế nhưng hành vi đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực giao thông đã không được xử lý triệt để. Nó diễn ra hằng ngày và không khó phát hiện nhưng các cơ quan chức năng lại ít quan tâm.
TS Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia kinh tế:
Nhiều người vi phạm nên... lờn
Có thể cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa tốt nhưng TNGT xảy ra phần lớn do yếu tố con người. Trẻ em ở trường được giáo dục phải chấp hành nghiêm luật giao thông nhưng hằng ngày không ít phụ huynh đến trường đón về lại chở con… leo lề, vượt đèn đỏ. Hành xử như thế làm sao tạo được ý thức tuân thủ luật pháp cho con trẻ. Khi bị phạt, dù nặng nhưng lại có cách để xin xỏ, chạy chọt nên người vi phạm không sợ. Người này vi phạm thì người khác lấy đó làm lý do để biện minh cho hành vi sai trái của mình.
Vì sao một số người ở trong nước chạy xe rất ẩu nhưng khi đi qua Nhật lại nghiêm túc chấp hành luật? Vì ở bên Nhật, tất cả mọi người đều chấp hành luật lệ giao thông nghiêm túc. Hay ở Mỹ, cũng ít người vi phạm do mức phạt ở đây rất cao, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn và không có chuyện “xin - cho”.
Luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM:
Thỏa hiệp với sai phạm
Không chỉ riêng tôi mà mọi người tham gia giao thông đều e ngại khi gặp CSGT bởi khi bị thổi còi thì đằng nào cũng bị phạt. CSGT tìm mọi cách để bắt lỗi người tham gia giao thông. Khi bị dừng xe, việc đầu tiên là năn nỉ, mặc cả chung chi chứ ít ai muốn biết mình vi phạm gì. Thêm vào đó là tâm lý sợ bị lỡ việc nên muốn xử lý nhanh chóng. Chính hành vi này đã vô tình tiếp tay cho một số CSGT làm luật.
Theo quy định tại điều 7 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, CSGT thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình... Thế nhưng, hầu như lực lượng CSGT hiện nay chỉ thực hiện một phần của quy định trên là “tuýt còi” và phạt tiền. Thậm chí, nhiều CSGT còn “núp lùm” để tranh thủ xử phạt người vi phạm. Đơn cử, tại ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM), CSGT thường đứng ở phía đường Điện Biên Phủ (đoạn gần cầu Sài Gòn) để phạt những người rẽ phải không bật đèn xi nhanh hoặc vượt đèn đỏ. Hay trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3, TP HCM), đoạn gần đường Điện Biên Phủ, CSGT cố tình đứng trong góc khuất để phạt người đi xe máy leo lên lề… Việc xử phạt như vậy chỉ có tác dụng nhất thời mà không làm thay đổi ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mọi người.
Ám ảnh
Ông Nguyễn Hoài Thiệu (ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM) kể: Nhiều người bạn của tôi từng bị TNGT, dù may mắn thoát chết nhưng luôn bị ám ảnh mỗi khi ra đường. Một người bị xe tải tông chấn thương sọ não, di chứng còn đến bây giờ. Gia đình vay nợ chữa trị đến khánh kiệt. Trong một thời gian dài, cứ nghe tiếng còi hú là bạn tôi hoảng hốt dừng xe nép vào lề đường vì bị ám ảnh bởi tiếng còi của xe cứu thương trong lần bị TNGT.
Rất nhiều người bình thường cứ nhởn nhơ, bất chấp luật lệ phóng xe thoải mái. Chỉ khi nào người thân hoặc chính bản thân họ bị tai nạn thì ý thức chấp hành giao thông mới thay đổi nhưng khi đó đã quá muộn. Hậu quả để lại sẽ rất nghiêm trọng, không dễ nguôi ngoai mà có thể kéo dài suốt đời.
Bình luận (0)