Đăng thông tin bịa đặt có thể phạt đến 200 triệu đồng
Nghị định (NĐ) 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực từ ngày 1-12, thay thế NĐ 159/2013/NĐ-CP.
Theo đó, với hành vi không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí khi sử dụng thông tin do cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cung cấp cho báo chí: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác…
Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó…
Doanh nghiệp và người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với một trong các hành vi: Miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật…, phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy… Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; tin, bài, ảnh kích động bạo lực…
Đặc biệt, đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… sẽ bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.
Báo chí buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1-12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng).
Với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị phạt từ 10-60 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép.
Xuất cảnh khai sai tiền mặt, có thể bị phạt 50 triệu đồng
NĐ 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định. Cụ thể: Phạt từ 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 5-10 triệu đồng; phạt từ 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 triệu đến dưới 70 triệu đồng; phạt từ 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 triệu đến dưới 100 triệu đồng; phạt từ 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10-12.
Thêm nhiều công chức phải kê khai tài sản hằng năm
NĐ 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-12 quy định thêm nhiều đối tượng công chức phải kê khai tài sản theo Luật Phòng chống tham nhũng. Đó là: Những ngạch công chức và người giữ chức danh công chức sau: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên...; những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại phụ lục III được ban hành kèm theo nghị định này; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Đây là thông tin đáng chú ý tại NĐ 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12.
Khoản 2 điều 30 của NĐ nêu rõ theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Kiểm tra nữ tử tù có thai hay không trước khi tử hình
Thông tư liên tịch số 02 năm 2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12.
Theo đó, nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, xác định người này có thai hay không.
Ngoài ra, nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi tử hình (trong thời gian giam giữ chờ thi hành án hoặc trên đường áp giải đến địa điểm tử hình) thì phải xác định nguyên nhân chết.
Sau khi xác định xong và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi người này về mai táng hoặc tổ chức mai táng.
Bình luận (0)