Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1-3. Theo đó, sự cố liên quan đến quản lý người bệnh được xếp vào Danh mục Sự cố y khoa nghiêm trọng khi thuộc vào các trường hợp sau: giao nhầm trẻ sơ sinh; người bệnh trốn viện bị tử vong hoặc bị di chứng nghiêm trọng; người bệnh tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng do tự tử tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư này không áp dụng đối với phòng ngừa sự cố y khoa trong hoạt động tiêm chủng, tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR) và biến cố bất lợi (AE) của các thử nghiệm lâm sàng. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý
Cũng có hiệu lực từ ngày 1-3, Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của thông tư này thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.
Cụ thể, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại thông tư này.
Môi giới nuôi con nuôi có thể bị xử lý hình sự
Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hiệu lực từ ngày 15-3 hướng dẫn áp dụng điều 150 về tội "Mua bán người" và điều 151 về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" của Bộ Luật Hình sự.
Theo đó, truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài; sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài; người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi… Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Biết mục đích của người nhận nuôi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; lợi dụng việc cho nhận con nuôi nhằm tiếp nhận con nuôi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…
Quy định mức tiền thưởng phòng chống tội phạm
Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng chống tội phạm có hiệu lực từ ngày 10-3. Theo đó, quỹ phòng chống tội phạm trung ương được sử dụng để: Thưởng đột xuất bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm và ma túy. Mức tiền thưởng cụ thể cho từng trường hợp cá nhân, tập thể do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tối đa đối với cá nhân là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng và tối đa đối với tập thể là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng; hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất đối với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng chống tội phạm và ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP.
Bình luận (0)