Ông Trần Trung Trang (ngụ thôn Phú Thuận Tây) bức xúc: “Chúng tôi chặn xe vì họ chở đá với tần suất lớn, mỗi ngày hàng trăm chuyến làm rơi vãi đầy đường và gây đảo lộn cuộc sống khu dân cư. Hàng loạt căn nhà của chúng tôi bị nứt cũng do nổ mìn khai thác đá. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng không ai đến giải quyết”.
Chỉ lên vết nứt dài khoảng 3 m, ông Nguyễn Kỳ (ngụ thôn Phú Thuận Tây) nói: “Lúc đầu vết nứt ngắn, nhỏ; sau nhiều lần nổ mìn, vết nứt càng lan rộng thêm. Từ khi mỏ đá được cấp phép (năm 2012) đến nay, cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Mỗi ngày ở đây, chúng tôi phải “gồng mình” nghe những âm thanh đinh tai nhức óc từ việc xay đá, mìn nổ liên hồi, có ngày 2-3 lần khiến nhà cửa nứt toác”.
Hàng loạt căn nhà khác trong thôn Phú Thuận Tây cũng bị nứt như nhà ông Kỳ mà nguyên nhân đều do việc nổ mìn khai thác đá tại bãi đá Hòn Gai.
Theo nhiều người dân, sau khi gửi đơn kiến nghị, UBND huyện Tư Nghĩa có cử đoàn thanh tra về làm việc. Giữa năm 2015, UBND huyện có văn bản cho rằng mức độ chấn động cũng như ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh mỏ đá Hòn Gai đều nằm trong giới hạn cho phép. Thế nhưng mỗi ngày, người dân đều sống trong sợ hãi.
Ông Tôn Long Cần, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận, xác nhận những bức xúc của người dân thôn Phú Thuận Tây hoàn toàn chính đáng. “Việc khai thác đá, hoạt động vận chuyển đá tại mỏ đá Hòn Gai nhiều năm nay đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đơn vị khai thác đá (Công ty Sông Vệ) có biện pháp giảm tiếng ồn trong quá trình khai thác, vận chuyển đá phải sạch sẽ, không gây bụi, rơi vãi đá; đồng thời, đề nghị huyện có đoàn kiểm tra, đánh giá lại tình hình, xử lý thật nghiêm nếu phát hiện đơn vị khai thác đá sai phạm” - ông Cần nói.
Bình luận (0)