Vụ tai nạn xảy ra vào tối 17-10 do nam tài xế lái ô tô trên đường Trường Chinh, hướng Cộng Hòa đi ngã tư An Sương gây ra là một ví dụ điển hình gần nhất. Tôi là người trực tiếp chứng kiến vụ việc trên khi đang dừng xe máy trên vỉa hè để nghe điện thoại.
Cảnh tượng kinh hoàng khiến tôi bị sốc nặng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: "Việc chấp hành đúng luật giao thông, sao có thể gặp tai nạn? Có cách nào để bảo toàn tính mạng của mình khi đi đường?"…
Một đồng nghiệp của tôi từng phải chuyển chỗ làm và nơi ở vì không thể hòa nhập được với tình hình giao thông đô thị quá phức tạp ở một đô thị lớn như TP HCM. Cô ấy tâm sự: "Tối nay trên đường về nhà, tôi thật căng thẳng.
Tôi dừng đèn đỏ 4 lần và lúc nào cũng phải ngoái đầu lại trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Tôi sợ mình trở thành người tàn tật hoặc ra đi vĩnh viễn chỉ vì vô tình cùng đường với một kẻ vô trách nhiệm nào đó".
Nhiều khách du lịch từng thốt lên "Người Việt Nam hồn nhiên với mạng sống của mình". Gác vấn đề giao thông sang một bên mà nhìn ở nhiều góc cạnh khác cũng sẽ thấy như vậy. Không ít người khi tham gia giao thông không biết sợ với các rủi ro chực chờ mà luôn có hành vi mạo hiểm theo kiểu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" hoặc "chắc không sao đâu".
Thực tế, chúng ta khá nặng nề trong việc ai đúng, ai sai trong một tai nạn giao thông, người đi xe máy hay ô tô? Trong khi đó, điều quan trọng hơn chính là ý thức tham gia giao thông và phương tiện nào an toàn cho người sử dụng.
Có phải người Việt Nam đi xe máy vì yêu thích? Câu trả lời chính là do việc phát triển giao thông công cộng của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Để không còn xảy ra những cái chết thương tâm, phải giải quyết tận gốc những tồn tại đã được nhận diện lâu nay.
Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tuyên truyền, để làm sao tất cả mọi người dân đều ý thức và chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông chứ không phải là đối phó với lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Đặc biệt, công tác đào tạo lái xe phải được nâng cao chất lượng, chú trọng thực hành thực tiễn, kiên quyết nói không với tiêu cực trong quá trình đào tạo. Về phía người thực thi nhiệm vụ, phải toàn tâm toàn ý làm tròn trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần quan tâm đến công tác quy hoạch giao thông vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bình luận (0)