Phấn khởi vì nếu áp dụng thì nhiều trẻ sẽ hưởng thụ được một mô hình giáo dục hiện đại, còn chạnh lòng là bởi còn quá nhiều học sinh - nhất là các em ở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa - ngay cả chiếc bàn học đàng hoàng cũng chưa có, nói chi đến giáo án điện tử.
Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử nêu trên sẽ tốn khoảng 4.000 tỉ đồng. Lớp học được trang bị bảng điện tử, học sinh sử dụng iPad, khỏi phải mang cặp sách rất nặng... Chợt nhớ đến học sinh vùng sâu ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, ngay cả vở cũng không có đủ, nói gì đến những thứ xa xỉ. Chiếc cặp của các em luôn nhẹ tênh vì chẳng có nhiều dụng cụ học tập, thậm chí không có đủ sách giáo khoa.
Trong khi đó, học sinh ở thành thị thì luôn khiến cha mẹ, thầy cô lo ngại vì mang quá nhiều sách vở trong cặp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng. Chiếc cặp của học sinh vùng sâu, vùng xa nếu có nặng hơn chút đỉnh thì cũng chỉ vì mang thêm vài củ khoai hay nắm cơm để dằn bụng vào buổi trưa.
Ở một số vùng, nhiều người hảo tâm có sáng kiến thu nhận sách giáo khoa cũ để tặng lại học sinh nghèo. Thế nhưng, mỗi em cũng chỉ có vài cuốn chứ không thể nào kiếm đủ bộ. Mùa mưa bão, có nơi cả trường bị tốc mái, sách vở ướt hết, các em thay nhau mang từng cuốn sách ra phơi nắng, chăm chút từng trang vì sợ bị rách.
Tại một số vùng ở Quảng Nam, học sinh còn học trong những ngôi trường mái tranh, vách nứa. Mùa mưa đến, nước dột, gió tạt, học sinh co ro trong lớp. Các em học nội trú thì bữa khoai bữa sắn qua ngày. Đêm đến, các em cặm cụi học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, xung quanh đầy muỗi, vắt. Ngay cả trong giấc mơ, các em cũng khó tưởng tượng được mình sẽ ngồi trong một lớp học khang trang, đèn điện sáng trưng như học sinh thành thị.
Dẫu biết đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết nhưng ở thành thị được o bế quá nhiều trong khi học sinh ở các vùng xa vẫn còn khổ nhọc thì thật đáng buồn. Tất cả trẻ em cần được tạo điều kiện để có cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất. Đừng để những đứa trẻ phải bỏ học chỉ vì gia đình quá nghèo.
Bình luận (0)