Theo một thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, tuy số vụ việc phạm pháp hình sự có giảm song tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, án mạng do văn hóa ứng xử chiếm 40%; có tới hơn 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó có 18%-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.
Đó là báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay, đặc biệt là những chuẩn mực truyền thống, giá trị văn hóa, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ án xuất phát từ mâu thuẫn gia đình tại Đồng Nai năm 2021
Trong những vụ án mạng liên quan đến những người có mối quan hệ thân thuộc, có nguyên nhân xuất phát từ phía nạn nhân khi thiếu kỹ năng xử lý tình huống làm cho mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Đó còn quan niệm chuyện riêng trong gia đình nên không muốn "vạch áo cho người xem lưng", phần vì thiếu thông tin nên không biết tìm đến đâu, tổ chức nào để có thể được tư vấn… Ngoài ra, một số vụ việc còn thấy trách nhiệm của cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương trong việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp không kịp thời, hiệu quả…
Để giảm bớt những vụ án đau lòng, việc đầu tiên là tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, hoạt động giáo dục phải có hiệu quả sâu rộng. Khi đạo đức xã hội được đề cao, sự tôn trọng, yêu quý giữa những người thân với nhau được duy trì thì đạo đức xã hội sẽ được cải thiện. Khi con người biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau, của người khác thì những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm sẽ giảm đi.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để mọi người nhận thức, tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Thực hiện tốt chính sách trong áp dụng các chế tài của pháp luật là khoan hồng, nhân đạo và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Khi các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật được thực hiện tốt thì những hành vi vi phạm pháp luật sẽ ít xảy ra, hậu quả sẽ ít nghiêm trọng.
Bình luận (0)