Những ngày qua, hơn 60 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu ở đội 3, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) liên tục phản ánh, bày tỏ bức xúc vì bị nhiều mỏ đá "hành hạ"…
Dẫn chúng tôi đi sâu vào con đường trong xóm, bà Nguyễn Thị Hảo cho biết gần chục năm qua, từ khi các mỏ đá hoạt động, cuộc sống người dân trong thôn bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến đêm khuya, mấy dàn máy nghiền đá cùng hoạt động khiến cả thôn xóm rung lên. Cực nhất là người già bị bệnh áp huyết cao và trẻ nhỏ, nằm không nổi, ngồi không yên. Trong xóm có nhiều người phải đưa đi nơi khác tránh nạn" - bà Hảo phản ánh.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Sơn, do khoảng cách từ nhà dân đến vị trí đặt máy xay đá quá gần, nên âm thanh từ tiếng máy nghiền, máy xay đá "như vô vàn cái đinh xoáy vào đầu người dân". Người nhà nói chuyện với nhau mà như quát mắng, khách từ xa đến nhà cũng không thể ngồi uống cạn ấm trà.
Ngoài âm thanh ầm ĩ của máy xay, máy nghiền đá, ô nhiễm khói bụi từ hoạt động của các mỏ đá cũng khủng khiếp không kém. Lúc nào cũng có xe tải chạy rầm rập trên đường vào mỏ lấy đá khiến cả thôn chìm trong bụi. Để chống lại bụi bặm, người dân dùng đủ cách, từ phủ các loại bạt, ni-lông che chắn cửa sổ đến tưới nước cho đường nhưng không thấm vào đâu.
Theo nhiều người dân thôn Đông Lỗ, không chỉ bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi mịt mù, tuyến đường dân sinh qua thôn cũng bị các mỏ đá biến thành đại công trường khai thác, tạm trữ đá, chất cao hàng chục mét dọc hai bên đường.
Tuyến đường dân sinh như đại công trường khai thác đá
"Những núi đá này không biết từ đâu, được các chủ mỏ chở về, chất cao hàng chục mét dọc hai bên tuyến đường dân sinh qua thôn. Thỉnh thoảng, các tảng đá to, nặng hàng tấn lăn từ trên đồi cao xuống đường dân sinh, mỗi lần qua đây, người dân vừa đi vừa run" - ông Nguyễn Văn Luyến bức xúc.
Ông Bùi Minh Của, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết khu vực thôn Đông Lỗ hiện có nhiều công ty hoạt động. Trong đó, có 2 công ty chính chuyên khai thác, vận chuyển đá. Do khoảng cách các mỏ đá nằm khá gần so với khu dân sinh nên quá trình hoạt động, các mỏ đá gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn… "Trước kia người dân cũng đã phản ánh nhiều lần, địa phương cũng tổ chức họp dân có mời các đơn vị liên quan. Sau buổi họp, các chủ mỏ đá cũng khắc phục bằng cách tưới nước trên đường nhưng chỉ ở mức độ hạn chế, không thể triệt để được. Về lâu dài, cần phải di dời các hộ dân ở đây đi nơi khác nhưng do không có kinh phí nên chưa thể thực hiện" - ông Bùi Minh Của nói.
Về phản ánh các chủ mỏ đá chất đá quá cao hai bên đường dân sinh, ông Bùi Minh Của cho biết chính quyền địa phương sẽ làm việc lại với các đơn vị liên quan, yêu cầu các chủ mỏ đá hạ độ cao, trả lại đường dân sinh cho người dân.
Đại diện UBND huyện Bình Sơn cũng khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra hoạt động của các mỏ đá. "Nếu các chủ mỏ đá vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý. UBND huyện sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, làm việc với các công ty chủ quản mỏ đá yêu cầu có phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm an toàn giao thông, trả lại đường dân sinh cho người dân" - đại diện UBND huyện Bình Sơn cho biết.
Bình luận (0)