Sáng 21-2, dọc theo Quốc lộ 91B từ TP Cần Thơ về quận Ô Môn, thương lái nhộn nhịp thu mua lúa của nông dân vừa thu hoạch với giá từ 4.300 - 4.400 đồng/kg.

Nông dân thu hoạch lúa chờ thương lái đến mua. Ảnh: NGỌC TRINH
Phải làm sao để nông dân có lãi
Tại Hậu Giang và An Giang, thương lái cho ghe cặp các tuyến kênh để mua lúa tươi của nông dân với giá 4.200 - 4.300 đồng/kg. Còn tại huyện Cầu Kè - Trà Vinh, giá lúa tươi IR 50404 được các thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 4.800 đồng/kg (tăng gần 400 đồng/kg so với trước đây).
Ông Thạch Phong, một nông dân ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, phấn khởi: “Với giá này, nông dân chúng tôi vẫn chưa thể nói là có lãi cao nhưng xem ra vẫn còn hơn những ngày trước và sau Tết”.
Hiện tại, Đồng Tháp là một trong số ít địa phương ở ĐBSCL đang có số lượng lúa thu hoạch cao nhất (gần 150.000 ha/hơn 208.000 ha). Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Giá lúa IR 50404 được thương lái thu mua tại ruộng là 4.300 - 4.400 đồng/kg, lúa khô có giá 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài chất lượng cao có giá từ 4.600 - 5.600 đồng/kg (tùy theo lúa khô hay tươi). Trong khi đó, một lãnh đạo của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long vẫn băn khoăn: “Thu mua làm sao để bảo đảm nông dân có lãi 30% mới là chuyện đáng quan tâm nhất”.
Gạo thơm vẫn chưa “thơm”
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lương thực năm 2012 đạt mức cao nhất từ trước tới nay: trên 43 triệu tấn, xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo (tương đương hơn 15,5 triệu tấn lúa). Thế nhưng, trên cùng một cánh đồng có hàng chục giống lúa, chất lượng không đồng đều… được thương lái thu gom rồi sau đó phân loại 5%, 15%, 35% tấm để xuất khẩu thì khó tạo nên thương hiệu mạnh trên thương trường.
Trong 2 năm gần đây, số lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức 400.000 - 500.000 tấn/năm, chiếm chưa tới 10% số lượng gạo xuất khẩu. Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo dạng lớn ở ĐBSCL cho biết: Số lượng xuất khẩu gạo thơm của doanh nghiệp chiếm khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa xuất được loại gạo thơm nào có thương hiệu chính danh. Tỉ lệ gạo thơm có thương hiệu như Nàng Thơm Chợ Đào, ST, Một Bụi Đỏ… chỉ chiếm khoảng 10%-20% lượng gạo thơm xuất khẩu.
Đã có một số doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trồng lúa thơm theo tiêu chuẩn Global GAP nhưng đến nay, nhiều mô hình dạng này đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chưa đủ lực và chưa thật sự mặn mòi.
Bình luận (0)