xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Nóng" về nhiều dự án

Nguyễn Hưởng - Hồng Ánh - Bích Vân

Nhiều dự án mà dư luận quan tâm đã được cử tri và đại biểu HĐND TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa đặt ra

Ngày 5-7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục kỳ họp thứ 4 với phần chất vấn các thành viên UBND TP.

Lấn chiếm đất nông nghiệp

Trong phần phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dành nhiều thời gian để nói về việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Nóng về nhiều dự án - Ảnh 1.

Dự án Nha Trang Sao (Khánh Hòa) ghi nhận vào chiều 5-7 hoàn toàn không có hoạt động thi công Ảnh: Kỳ Nam

Theo ông Chung, thời gian qua, trật tự xây dựng của TP đã tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn vi phạm về đê điều, lấn chiếm đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở ngoại thành và trên đất xen kẹt trong nội thành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội thí điểm mô hình giao quản lý trật tự xây dựng cho chủ tịch 30 quận, huyện. 

Để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không tăng, ông Chung cho biết TP đang giao Sở Xây dựng nghiên cứu cùng một số nhà quản lý đưa ra chế tài xử phạt đối với các chủ đầu tư, công ty xây dựng… "Trước đây, chúng ta chỉ phạt vi phạm đối với chủ nhà thì sắp tới sẽ phạt cả chủ đầu tư, đơn vị xây dựng sai, thậm chí tước giấy phép hành nghề" - ông Chung khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Chung, TP sẽ chú trọng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với các tòa nhà liên quan đến chủ đầu tư xây dựng có vi phạm, việc này đã có hướng dẫn của Bộ Xây dựng. "Việc xử lý các chủ xây dựng này là riêng, đối với người mua nhà, chúng tôi sẽ đôn đốc cấp sớm để tạo mọi điều kiện cho người dân trong sinh hoạt cũng như đăng ký hộ khẩu…" - ông Chung thông tin.

Rà soát bán đảo Sơn Trà

Cùng ngày, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, đã báo cáo tập hợp các kiến nghị của cử tri và nhân dân Đà Nẵng, trong đó có việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia. Bà Liên nhấn mạnh Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng đồng tình với quan điểm xác định bán đảo Sơn Trà là lá phổi xanh, tài sản vô giá của Đà Nẵng, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, bảo tồn thiên nhiên và tiềm năng du lịch.

Cử tri Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP khẩn trương rà soát tất cả dự án đã được cấp phép tại bán đảo Sơn Trà theo hướng phải đáp ứng cả ba yêu cầu. Trong đó có phát triển kinh tế du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.

Trong phần thảo luận, ĐB Huỳnh Minh Chức cho rằng lãnh đạo TP nên tiếp thu ý kiến phản biện về Sơn Trà để không mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, hằng năm, TP nên trích ngân sách để duy tu, bảo dưỡng các công trình an ninh quốc phòng trên bán đảo.

ĐB Cao Xuân Thắng thì cho rằng cần phải thực hiện các dự án khu nghỉ dưỡng để bảo đảm phát huy lợi thế của Sơn Trà. Phải rà soát lại và cần thiết thì thu hồi hoặc thu nhỏ quy mô các dự án để bảo đảm phù hợp quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định việc quy hoạch Sơn Trà là cần thiết vì đây là nơi thu hút nhiều du khách.

Ì ạch chợ Đầm mới

Nhiều vấn đề nóng mà Báo Người Lao Động phản ánh thời gian gần đây đã được cử tri đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI sắp diễn ra.

Về việc xây dựng chợ Đầm mới Nha Trang do Công ty CP Sông Đà - Nha Trang làm chủ đầu tư, cử tri cho rằng quy định là 18 tháng nhưng nay đã 3 năm vẫn chưa xong, trong khi chính quyền chẳng có biện pháp gì và cũng không phạt chủ đầu tư.

Trả lời những ý kiến này, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng do tính chất đặc thù dự án là thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, vừa di dời các hộ tiểu thương vừa thi công nên đã ảnh hưởng đến tiến độ. Theo ông Vinh, hiện một số hạng mục chợ Đầm mới đã xong, chủ đầu tư nhiều lần thông báo đến các tiểu thương nhận mặt bằng để kinh doanh nhưng họ chưa chịu vì không muốn bàn giao mặt bằng ở chợ Đầm cũ.

Về dự án Nha Trang Sao lấn biển do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư, sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã cho kiểm tra và tạm dừng thi công. Về việc cử tri đề nghị xử lý vi phạm đối với việc lấn biển và chậm thi công, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết dự án được cấp phép xây dựng vào tháng 10-2014, thời hạn xây dựng là 36 tháng. Sau khi phát hiện chủ đầu tư lấn biển gần 23.000 m2, UBND tỉnh đã xử phạt 200 triệu đồng, yêu cầu dừng thi công và khắc phục, lập lại phương án thi công kè biển. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện dự án này gần như bị bỏ hoang.

Về việc xử lý chậm tiến độ dự án, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 15-6 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Ngày 28-6, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có công văn chỉ đạo Sở KH-ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tiến độ dự án, hồ sơ đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm. "Sau khi xử lý hành chính, nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm và không thực hiện đúng cam kết tiến độ dự án, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư" - ông Vinh thông tin. 

Đồng Nai chờ chỉ đạo vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh

Trong ngày 5-7, bên lề kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, liên quan đến các sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, thừa nhận chỉ khi có tố cáo và Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc thì mới biết các sai phạm của bà Thanh. "Chị Thanh là cán bộ thuộc diện do Ban Bí thư (Ban Bí thư trung ương Đảng) quản lý. Từ đơn tố cáo, Ban Bí thư chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ, sau đó có kết luận và đưa ra mức kỷ luật cảnh cáo. Hiện tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Ban Bí thư xung quanh việc này…" - ông Cường nói.

Cách đây vài ngày, Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố việc xem xét, thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Thanh. Bước đầu xác định trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV. Đây là việc làm vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, bà Thanh còn có một số sai phạm khác...X.Hoàng

Tốn kém trong việc di dời cây xanh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong quá trình thực hiện các công trình giao thông mà phải giải tỏa cây xanh, Hà Nội luôn đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ. Quan điểm của TP là cây nào còn phát triển sẽ đánh chuyển, cây không phát triển thì chặt hạ theo đúng đơn giá và bán đấu giá gỗ, nộp ngân sách nhà nước.

Thời gian gần đây dư luận xôn xao trước thông tin chặt hạ gần 1.300 cây xanh trên đường Vành đai 3. Theo các cơ quan chức năng thống kê, thực hiện dự án đường này phải chặt hạ, di chuyển gần 1.300 cây xà cừ đường kính 85-95 cm, độ tuổi 24-28 năm trên đường Phạm Văn Đồng.

Xà cừ là loại cây đô thị, được trồng nhiều trên tuyến phố tại Hà Nội. Có những tuyến phố rất mát, đẹp nhờ có cây xà cừ. Theo tính toán, nếu chuyển gần 1.300 cây xà cừ sẽ tốn một diện tích 7 ha để ươm trồng. Trong đó, chi phí để bố trí, ươm trồng sẽ là 100 tỉ đồng, còn chưa kể 60 tỉ đồng chi phí đánh chuyển. "Tôi khẳng định cây xà cừ không thể đem trồng lại ở bất cứ tuyến phố nào bởi để trồng lại, phải đào hố rất rộng và sâu, ảnh hưởng đến hệ thống ngầm. Hơn nữa, số tiền 160 tỉ đồng có thể mua 20.000 cây xanh mới đẹp hơn, giá trị kinh tế cao hơn" - ông Chung nói.

Về công tác trồng cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội trồng mới được 44.000 cây. Dự kiến 6 tháng cuối năm, TP sẽ bổ sung trồng mới 200.000 cây các loại để đến năm 2020, hoàn thành kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị. N.Hưởng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo