Từ trung tâm huyện Phước Sơn, chúng tôi vượt gần 100 cây số với những con đường dốc dựng đứng mới đến được Phước Lộc, xã xa nhất của huyện này. Mỗi khi mưa đến, xã bị cắt đứt với vùng hạ du của huyện và việc tiếp tế lương thực, phương tiện sinh hoạt hầu như không thể thực hiện được.
Quá nghèo và lạc hậu
Ông Lưu Huyền Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết tài sản lớn nhất của xã có lẽ là chiếc máy phát điện chạy bằng dầu. Chiếc máy này chỉ được dùng trong những dịp quan trọng. “Không có điện, điều kiện đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân nơi đây khổ trăm bề. Toàn xã có 174 hộ, 817 nhân khẩu nhưng có đến 75,86% thuộc hộ nghèo” - ông Thoại nói.
Theo chân ông Thoại vào thôn 8A, chúng tôi không khỏi nao lòng trước cảnh u uất của ngôi làng chỉ mấy chục nóc nhà. Những mái nhà xiêu vẹo, rách nát khiến ai mới vào đây cứ ngỡ như làng đã bị bỏ hoang. Hầu hết bà con đã lên rẫy, chỉ còn thưa thớt vài người già gầy yếu quanh quẩn trong sân. Những đứa trẻ mắt to tròn, không mảnh vải che thân tò mò nhìn người lạ.
Ông Thoại cho biết thêm trước đây người dân thôn này sống từng cụm trên các đỉnh núi rất thiếu thốn. Mấy năm nay, xã đưa về tập trung ở vùng đất này, cử người hướng dẫn cho bà con làm lúa nước. Đời sống người dân khá hơn trước nhưng vẫn tăm tối, đói nghèo. Toàn thôn có 27 hộ thì có đến 24 gia đình thuộc hộ nghèo, 2 hộ khó khăn. Hộ còn lại cũng nghèo nốt nhưng do có nhận tiền chính sách 600.000 đồng/tháng nên “bị” cho ra khỏi danh sách nghèo của thôn.
Cuộc sống khó khăn, tăm tối, lạc hậu nên người dân nơi đây còn tin vào nhiều hủ tục. Hễ có chuyện gì là phải ráng chạy vạy mua cho bằng được heo, gà về cúng. Ông Thoại nhẩm tính chỉ riêng năm 2013 đã có ít nhất 2 trường hợp tử vong do bệnh nhưng người dân không đưa đi bệnh viện mà cứ để ở nhà cúng vái.
“Khi đau ốm, người dân ở đây không bao giờ đến trạm xá mà cứ mổ heo, mổ gà cúng “đuổi ma”. Nếu cúng ở nhà không khỏi, họ lại đưa lên rẫy cúng và người bệnh phải ở lại đấy 15 ngày. Con cái bị đau chỉ cho ăn sắn, ăn khoai, không cho ăn thịt cá hay cơm vì sợ... không hết bệnh. Nhiều trường hợp xã phát hiện được thì bệnh tình đã trở nặng, khuyên họ đưa đi bệnh viện, họ lại ra điều kiện nếu đưa đi bệnh viện mà chết thì xã phải đền. Những trường hợp như thế đều đã lâm vào cảnh thập tử nhất sinh rồi, đưa đi bệnh viện cũng chết chắc nên xã đành bó tay” - ông Thoại trăn trở.
Học sinh mong áo ấm
Bên cạnh trụ sở UBND xã, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc nằm cheo leo trên ngọn đồi. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ánh cho biết toàn trường có 207 học sinh, trong đó có 64 học sinh THCS, 102 học sinh tiểu học, còn lại là mầm non.
Chưa có điện nên việc dạy học, sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh cũng tăm tối theo cả nghĩa đen. Ngoài ra, trường sử dụng nguồn nước lấy trên suối nên vào mùa nắng thường thiếu nước sinh hoạt. Nhà ở giáo viên chật chội, khu ký túc xá của học sinh cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn trường có 102 học sinh hưởng chế độ bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ 15 kg gạo và 460.000 đồng. Hằng ngày, các em học sinh phải ở trong những căn phòng nhếch nhác, bữa ăn rất đạm bạc, chỉ toàn rau. Buổi tối đến không có điện, thiếu dầu thắp đèn...
Thầy Ánh nói rằng chỉ có lòng thương và sự sẻ chia thì các giáo viên mới có thể gắn bó với trường ở những nơi xa xôi như thế này. “Hầu hết gia đình các em học sinh đều rất thiếu thốn, trong khi lương bổng của giáo viên không có nhiều để bù đắp cho các em. Tôi không mong gì hơn ngoài việc kêu gọi những nhà hảo tâm chia sẻ, giúp các em có được tấm áo ấm và chăn màn cũ để các em khỏi chịu cảnh rét mướt vào những ngày mưa” - thầy Ánh trải lòng.
Sớm đưa điện về xã
Ông Trần Thanh Tân, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phước Sơn, cho biết chuyện đưa điện về Phước Lộc là điều trăn trở lâu nay của chính quyền địa phương. Mới đây, xã Phước Lộc được Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đưa vào dự án cơ hội đầu tư. Theo thông báo của sở này, dự án cung cấp điện cho xã Phước Lộc sẽ được thực hiện trong tháng 3-2014 nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện. “Chúng tôi đang đề xuất Sở Công Thương khởi động dự án càng sớm càng tốt vì đến mùa mưa sẽ rất khó khăn trong việc thi công” - ông Tân nói.
Bình luận (0)