Ngồi trên giường bệnh của con, chị L.T.M (48 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bần thần nhớ lại cách đây 9 năm, khi đang chơi, bé N.T.K bỗng dưng ngã xuống đất, tay chân co quắp lại… Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM), chị M. đã lặng người khi nghe bác sĩ (BS) nói K. bị suy thận giai đoạn cuối.
Bán nhà cũng không đủ để chữa bệnh
"Chồng làm thợ hồ, tôi ở nhà lo cho cha mẹ chồng già và 2 con nhỏ. Cả nhà 6 miệng ăn đều trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi của chồng, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Khi con bệnh, cuộc sống chúng tôi xáo trộn hoàn toàn. Tôi phải theo con lên TP điều trị, cha mẹ không ai chăm sóc; đồng lương ít ỏi của chồng không đủ để trang trải nhiều khoản phí" - chị M. kể.
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Thận nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)
Thời gian đầu, vợ chồng chị M. chạy vạy vay mượn tiền của bà con lối xóm. Thế nhưng ở quê, ai cũng nghèo, chỉ có thể giúp 1-2 lần. Hết cách, họ phải bán căn nhà để trả nợ và lo chữa bệnh cho con. Ba năm đầu, BV là nhà của 2 mẹ con, những bữa cơm từ thiện giúp họ sống lay lắt qua ngày. "Nhiều lúc túng quẫn, mệt mỏi đến cùng cực, tôi nghĩ đến việc ôm con cùng chết để giải thoát. Nhưng rồi tôi không đành lòng, tự hứa còn sống một ngày thì còn đồng hành, chiến đấu cùng con... Mặt khác, nhờ sự giúp đỡ, động viên của các BS, điều dưỡng, những người cùng cảnh ngộ trong BV Nhi Đồng 2, đã giúp tôi có thêm động lực, chấp nhận việc con mang trên người căn bệnh suy thận là số phận sắp đặt" - chị M. thổn thức tâm sự.
Hiện tại, K. 14 tuổi nhưng chỉ bé như đứa trẻ lên 7, mỗi tuần phải chạy thận 3 ngày. Mỗi khi chạy thận xong, 2 mẹ con lại đón xe buýt về phòng trọ cách BV khoảng 20 km.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng tương tự còn có anh N.H.H (ngụ Cần Thơ). Cách đây 5 năm, con trai lớn của anh đang học lớp 12 thì thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Đưa con đi khám, BS cho biết cháu đã bị suy thận giai đoạn cuối. Trong lúc gia đình đang hoang mang, lo lắng, con trai thứ (10 tuổi, học lớp 5) cũng có dấu hiệu hệt anh trai và bị phát hiện suy thận giai đoạn cuối.
"Lúc đó, tôi lo cho con trai lớn nằm ở BV Cần Thơ, vợ tôi túc trực bên con trai thứ ở BV Nhi Đồng 2. Hai con cùng lâm bệnh nặng, khiến có những lúc chúng tôi tưởng chừng không thể vượt qua, nhất là khoảng thời gian 1 năm sau đó, con trai lớn của chúng tôi qua đời. Bây giờ chúng tôi dồn tất cả sức lực, tình yêu thương cho con thứ, an ủi nhau ở bên con được ngày nào hay ngày đó" - anh H. chùng giọng.
Trẻ mắc bệnh ngày càng tăng
Phòng chạy thận của BV Nhi Đồng 2 lúc nào cũng đông bệnh nhi chờ chạy thân. Đặc điểm chung của các cháu là cánh tay sưng phù vì vết kim chích, ánh mắt buồn bã, đau đớn vì gánh chịu nỗi đau thể xác của quá trình chạy thận.
Ông Nguyễn Đình Vũ, Tổ trưởng điều dưỡng lọc máu Khoa Thận nội tiết BV Nhi Đồng 2, cho biết hầu hết các bé mắc bệnh suy thận đều bị suy dinh dưỡng, nhiều trẻ đã 14-15 tuổi nhưng chẳng khác nào đứa trẻ 6-7 tuổi. Nếu như các bé khỏe mạnh bình thường có thể ăn uống theo nhu cầu, sở thích và bất cứ lúc nào muốn thì đối với các bé bị suy thận, việc ăn uống phải tuân thủ theo chế độ nghiêm ngặt. Ăn lạt và hạn chế nước để hạn chế phù, cao huyết áp là những biến chứng thường gặp của suy thận mạn. Ngoài ra còn phải hạn chế ăn trái cây, rau xanh, thành phần có nhiều kali, gây rối loạn nhịp tim…
BV Nhi Đồng 2 là BV duy nhất tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam chạy thận nhân tạo cho bệnh nhi bị suy thận mạn tính. BS chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Quý, Phó Khoa Thận nội tiết BV Nhi Đồng 2, cho biết lượng bệnh nhi tập trung về đông, mỗi tuần các bệnh nhi chạy thận 3 lần, phải có người nhà đưa đón nên ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của người thân và BV gặp khó khăn trong việc giải quyết chỗ ăn ở cho gia đình. BV đã tích cực phối hợp với các nhà tài trợ để tìm chỗ cho gia đình bệnh nhi trú tạm, ăn ở và xe đưa đón chạy thận miễn phí…
Theo BS Quý, bệnh suy thận mạn tính ở trẻ em ngày càng được phát hiện nhiều. Nguyên nhân suy thận đa số do mắc bệnh cầu thận hội chứng thận hư, dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh… nhưng không được phát hiện và điều trị sớm. BS khuyến cáo trong giai đoạn thăm khám tiền sản, nếu có bất thường nước ối hoặc phát hiện có bất thường đường tiết niệu thai nhi thì sau sinh 1 tuần, cần đưa trẻ đi siêu âm kiểm tra hệ thận niệu tại các BV nhi có chuyên khoa thận niệu. Ngoài ra, trong 3 năm đầu của trẻ, cần cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ.
Khó phát hiện
Theo BS Hoàng Ngọc Quý, bệnh thận mạn đôi khi khó phát hiện vì các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như suy dinh dưỡng do trẻ biếng ăn, xanh xao, còi cọc. Đến khi phát hiện thì hầu hết đã rơi vào giai đoạn suy thận mạn tính. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất sốc, không thể tin rằng con mình bị bệnh thận, bởi vì họ thường nghĩ đây là bệnh của người lớn.
Bình luận (0)