Từ nhiều năm nay, cây thuốc lá là một trong những loại cây trồng quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai. Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có khoảng 4.000 ha cây thuốc lá. Để sấy thuốc lá, người ta dùng than, các loại thân cây cà phê, điều, trấu và đặc biệt là gỗ củi được lấy từ rừng tự nhiên. Nhiều người dân ước tính để sấy hết thuốc lá trên toàn bộ diện tích này, phải mất khoảng 40.000 m3 gỗ củi.
1 ha thuốc lá đốt 10 m3 gỗ củi
Cũng theo những người trồng cây thuốc lá, trong 2 ngày đầu, để lấy nhiệt độ cao, người ta thường dùng củi để đốt. Do củi bằng gỗ điều, cao su, cà phê rất ít nên họ thường dùng củi từ gỗ tự nhiên. Ba ngày sau, khi cần giữ nhiệt để cho lá sợi thuốc vàng, người ta mới dùng nguyên liệu là trấu. Để có được củi đốt, các chủ lò thường mua từ người dân lén lút vào rừng chặt mang về. Trung bình 1 ha thuốc lá có 5 lò sấy, khi sấy mỗi lò phải đốt khoảng 2 m3 củi.
Trong những ngày đầu tháng 1, đến với các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai như Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, đặc biệt là tại khu vực đèo Tô Na, giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân dùng xe máy chở hàng chục khúc gỗ từ phía những cánh rừng về khu dân cư, nơi có hàng trăm lò sấy thuốc lá đang hoạt động.
Tại huyện Krông Pa, nơi có diện tích trồng thuốc lá nhiều nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 3.000 ha, chúng tôi thấy rất nhiều lò sấy đang chất củi gỗ điều, cà phê... xung quanh để chuẩn bị đốt. Tuy nhiên, những loại củi này chỉ để làm “bình phong” khi có lực lượng chức năng kiểm tra. Loại củi chính để đốt là gỗ tự nhiên được cất giấu khu vực xung quanh lò, khi cần mới mang ra đốt.
Cây nào cũng làm củi
Những ngày ở đây, chúng tôi ghi nhận có nhiều xe máy chất các loại gỗ với đường kính từ 15-30 cm, dài hơn 1 m chạy về hướng thị xã Ayun Pa. Lần theo con đường mòn dẫn vào rừng, nhiều khoảng đất có dấu hiệu là bãi tập kết gỗ khi xung quanh khu vực này, nhiều cành, gốc, vỏ cây còn sót lại. Các cây gỗ bị chặt hạ có rất nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau như cà chít, căm xe, bằng lăng… Cả một khoảng rừng chỉ còn những cây có đường kính dưới 10 cm mọc lưa thưa và một số loại cây bụi.
Một người dân địa phương cho biết sau khi bị chặt, những cây gỗ sẽ được tập kết tại các bãi này rồi dùng cưa máy cắt ngắn, bóc sạch vỏ để giảm trọng lượng và thuận tiện cho việc vận chuyển. Trung bình mỗi ngày, một người có thể cắt và chở được từ 2-3 xe gỗ, mang về tận lò bán với giá 200.000 đồng/xe.
Theo ông Nguyễn Hữu Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, các năm trước có tình trạng người dân vào rừng chặt củi đem về bán cho các lò sấy thuốc lá. Để ngăn chặn, ngay từ đầu vụ, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu các chủ lò ký cam kết không sử dụng củi tự nhiên, không có nguồn gốc hợp pháp để sấy. Bên cạnh đó, hạt còn tham mưu cho chính quyền địa phương bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát các đường ra vào rừng để ngăn chặn và liên tục kiểm tra tại các lò sấy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, dù chính quyền địa phương vận động, yêu cầu những chủ lò sấy cam kết nhưng việc thực hiện cam kết như thế nào thì... chưa thể xác định được.
Theo ông Nguyễn Hữu Dụng, việc phá rừng lấy củi sấy thuốc lá nguy hại hơn cả lâm tặc bởi các loại cây có đường kính chừng 10 cm trở lên đều có thể bị chặt hạ làm củi.
Bình luận (0)