Mới đây nhất là vụ một doanh nghiệp (DN) ở Bình Ðịnh bị khởi tố vì được hoàn thuế GTGT với số tiền hàng chục tỉ đồng nhưng sau đó chây ì, trốn thuế. Thủ đoạn chiếm đoạt thuế GTGT được cho là khá đơn giản, đó là các DN lập bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT và được hoàn với số tiền rất lớn. Sau khi được hoàn thuế thì không xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế theo đúng với số tiền thuế đã được hoàn trước đó mà chiếm đoạt luôn hoặc chây ì, trốn thuế. Vấn đề đặt ra là có phải cơ quan chức năng sao dễ dàng bị các tổ chức, DN "qua mặt" để trốn thuế, chiếm đoạt số tiền lớn như vậy? Phải chăng cơ quan chức năng đã quá dễ giải hay quy định pháp luật có lỗ hổng khi các vụ chiếm đoạt thuế GTGT liên tiếp xảy ra và gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách?
Thực tế trong nhiều hội nghị đối thoại của cơ quan thuế với DN thì thường các DN phản ánh họ rất khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT. Minh chứng là khi nói đến hoàn thuế, cá nhân và DN đều sợ, ngán và chán nản. Thậm chí, có DN chua chát bảo rằng "tiền vào nhà thuế thì dễ, lấy ra khó hơn lên trời"! Dẫn ra vậy để thấy để được hoàn thuế một cách đúng, đủ thủ tục không dễ. Ấy vậy mà có những DN "vô tư" chiếm đoạt thuế GTGT thì rõ ràng đã xảy ra khuất tất mà nói thẳng là rất dễ có chuyện "đi đêm" giữa DN và cán bộ thuế.
Do đó, ngành thuế phải nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hiệu quả, kịp thời. Trong đó, phải siết chặt quy định về hoàn thuế, trách nhiệm của cán bộ thuế trong giải quyết việc hoàn thuế là quan trọng nhất. Cần thiết thì cũng nên suy nghĩ đến việc tăng hình phạt (thậm chí là tử hình) đối với tội gian lận thuế, cán bộ thuế "nhám tay" để tăng tính răn đe.
Hãy nhớ tình trạng tổ chức, DN chiếm đoạt tiền thuế đã đang gây thiệt hại, thất thu rất lớn cho "chiếc túi" ngân sách vốn đang phải tính toán cặn kẽ để tiết kiệm tối đa, nhằm bảo đảm cân đối.
Bình luận (0)