Sáng 26-11, trong vai chủ một nhà hàng tại TP HCM muốn đặt hàng với số lượng cố định để kinh doanh, chúng tôi được nhiều sạp hàng ở chợ nông sản Thạnh Hóa (Quốc lộ 62, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) mời chào nhiệt tình.
Nếu chim nuôi, hoàn tiền gấp đôi (!)
"Tất cả là đồ tự nhiên. Chim còn mắc lưới, cá còn mắc câu. Con nào còn sống mới bán. Phát hiện chim nuôi hoàn trả tiền gấp đôi" - một chủ hàng sạp vừa quảng cáo vừa khoe với chúng tôi các loài rắn hoang dã xen lẫn chim trời vừa mới bẫy.
Đến sạp hàng của bà Chín, chúng tôi được dẫn vào xem khu phía sau gian hàng mà để vào được, phải mở 2 lớp cửa khóa chắc chắn. Trong căn phòng tối, bà Chín dùng đèn pin rọi vào hàng, giới thiệu: "Đây là khu cất giữ các loài chỉ có ở Tràm Chim và Láng Sen. Không được phép bán nên phải giấu kín. Mấy chú hợp tác làm ăn lâu dài tôi mới cho xem để lấy giá thỏa thuận". Chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về nguồn gốc thật, bà Chín lập tức chứng minh bằng cách mở các video trên Zalo do người bắt quay hình lại gửi cho bà. Ở đó, những con chim được gỡ ra từ lưới và vị trí bắt nằm cận kề các khu bảo tồn.
"Chợ chim nằm ngay cửa ngõ ra vào 2 khu bảo tồn (Láng Sen - tỉnh Long An và Tràm Chim - tỉnh Đồng Tháp - PV), thuận lợi cho khách đi chơi và lúc về ghé mua. Đất lành chim đậu. Khi chim vừa đậu là bắt ngay đưa lên bàn nhậu. Giá mua trực tiếp từ nông dân và bán trực tiếp cho người cần nên luôn được xem nơi bán giá rẻ nhất miền Tây, có luôn dịch vụ vận chuyển lên TP HCM" - bà Chín cam kết.
Bà Chín còn khoe sạp hàng của bà từng có lần đưa gần 1 tấn động vật gồm chim trĩ, cò ốc ra nhà hàng ở Hà Nội.
Ở đây, việc chặt đầu, làm thịt và khò lửa chim, rắn diễn ra công khai và trước mặt khách tham quan. Rất nhiều người đi ôtô khi ngang qua đã dừng lại để xem hoặc mua. Thời điểm chúng tôi có mặt, xe đậu gần như chật kín khu đất này.
Làm thịt, khò lửa chim trời tại chợ nông sản Thạnh Hóa (Long An)
Biết nhưng không thể xử lý
Trong lúc nói chuyện với bà Chín, một người đàn ông chạy xe máy có biển số Đồng Tháp vào tận bên trong sạp, sau yên xe có 2 ràng chứa hàng chục cò ốc, cò lửa và chim trích. Nhận tiền xong, người này quay xe chạy về hướng biên giới. Chúng tôi bám theo, thấy anh ta đi vào một nhà dân trên đường ĐT843 thuộc xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ sở nuôi chim, trăn và các loài động vật khác, nằm cận kề Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim.
Nhiều ngày có mặt tại đây, chúng tôi tiếp cận được ông T., chủ cơ sở nói trên. Theo ông T., việc nuôi và bán các loài chim lợi nhuận không cao và ít được các chủ vựa thu mua. "Tôi nuôi số lượng ít, còn phần lớn là thu mua từ người dân xung quanh để bán lại. Kế bên này có VQG, "kho vàng" để gom chim" - ông T. thừa nhận.
Sở dĩ cơ sở nuôi chim của ông T. có thể tồn tại nhiều năm vì khi lực lượng chức năng kiểm tra, không thể biết đâu là loài nuôi và đâu là săn bắt. Ông T. tiết lộ: "Loài chim trích trong VQG Tràm Chim rất nhiều nhưng giống này cũng cho phép nuôi. Chỉ có dân chuyên nghiệp như tụi tôi mới nhận diện được. Các nhà hàng mua loài tự nhiên nên hoạt động cơ sở nuôi chỉ để hợp thức hóa nguồn hàng".
Cũng theo ông T., xung quanh vùng đệm VQG Tràm Chim có đến hàng chục người làm nghề bẫy chim. Chúng tôi được giới thiệu tiếp xúc với ông B., người được mệnh danh "vua bẫy chim" vùng Đồng Tháp Mười, sống với nghề này hơn 30 năm. "Chim trời đã nuôi sống gia đình tôi, nếu phải chuyển nghề, tôi không biết phải làm gì" - ông B. nói và cho biết trong nhà có đến 30 bộ bẫy chim. Mỗi ngày, tranh thủ trời chưa sáng, ông bắt đầu giăng bẫy ở khu vực giáp ranh VQG Tràm Chim. Trung bình mỗi ngày đi bẫy khoảng 2 giờ, ông B. thu được 300.000-600.000 đồng, vào mùa chim di cư, tiền bán chim lên đến 4-5 triệu đồng.
Cũng theo ông B., việc bẫy chim ở vùng đệm VQG, bảo vệ của khu bảo tồn biết nhưng không thể xử lý vì đây là khu giáp ranh. Chỉ sợ kiểm lâm và công an phát hiện. "Xui lắm bị bắt và bị phạt, nếu không đủ khả năng đóng phạt thì bỏ lại lưới và bẫy" - ông B. nói. Cũng theo ông B., 2 năm trước, chim về đây tăng đột biến, bầu trời đen nghịt các loài. Gần đây, các loài chim ít đi, đặc biệt loài cò ốc không còn nhiều.
3 km, 5 sạp hàng
Ghi nhận những ngày cuối tháng 11-2020, xung quanh VQG Tràm Chim có rất nhiều điểm bán các loài động vật tự nhiên. Cách VQG chưa đến 3 km, chợ nông sản Tam Nông (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) có đến 5 sạp hàng kinh doanh các loài tự nhiên. Bà Tám, chủ sạp Tám Rắn, cho biết rắn ri voi, chim cổ rắn và cò lửa tại sạp đều có và có nguồn gốc tự nhiên nên phải bán lén lút.
Trên các cung đường dẫn vào cổng Khu Du lịch Tràm Chim, nhiều người ngồi trên xe, phía sau giấu kín những túi đệm, trong đó có nhiều loài rắn, chim được lén lút bán với số lượng nhỏ.
Bình luận (0)