Bạn đọc hết sức bức xúc trước thông tin có đến 30% công chức “có cũng được, không có cũng được”. Điều này đồng nghĩa với việc 30% tiền mà người dân đóng thuế để trả lương cho bộ máy công chức Nhà nước đã bị hoang phí. Số tiền này là rất lớn và rất đau lòng là nó được chắt bóp từ mồ hôi của những người lao động chân chính, trong đó phần lớn là lao động nghèo.
Trên dung túng, dưới lè phè
Công chức dư thừa thì trước hết phải nói đến khâu tuyển dụng hiện nay có vấn đề. Từ lâu, nguồn lương ngân sách được xem là “chùm khế ngọt”. Nguồn này không cao nhưng luôn ổn định, nhiều lợi lộc và quan trọng là áp lực công việc không lớn, chẳng ai quan tâm đến kiểm tra năng lực thường kỳ. Sáng tành tành đi làm, chiều mới 15 giờ là nhấp nhổm rủ nhau chơi tennis, ra quán nhậu…
Bạn độc Thế Phương kể: “Cơ quan tôi cũng chẳng phải là thiếu người gì cho cam thế mà có cảnh: Cha làm giám đốc một bộ phận, còn con lớn, con nhỏ, con rể… đều ùn ùn vào làm. Tuy cơ quan cũng đang khó khăn nhưng chẳng ai đả động đến việc xem xét lại năng lực nhân viên như thế nào. Đây là thời đại nào mà “một người làm quan cả họ được nhờ” thế này”. Giải thích vấn đề trên, bạn đọc Lê Mau cho biết: “Không ở đâu sướng bằng công chức Nhà nước. Làm việc trong môi trường ung dung tự tại đầy quyền uy, không sợ cạnh tranh bằng năng lực, được cộng đồng trách nhiệm, ngày làm việc cật lực lắm chỉ trên dưới 5 giờ, tiến thân đôi khi không phải bằng năng lực, thường xuyên được họp (hoặc tập huấn) có lĩnh bao thư và liên hoan, cuối năm khen nhau để cùng được thưởng...”.
Ngạc nhiên với thông tin số lượng công chức lãng phí bạn đọc lấy tên Củ Chuối tính toán: “840.000 công chức "không có cũng được", lương phải trả cho họ khoảng 20.160 tỉ đồng/năm, bằng xây 12 cây cầu kỷ lục như Đà Nẵng mới làm... Chưa nói đến các tệ nạn mấy người này mang lại cho bộ máy chính quyền, nhũng nhiễu dân... Như vậy đất nước không nghèo mới lạ”.
Hậu quả của vấn đề này rất nhãn tiền. Bạn đọc Nguyễn Luân, nhận xét: “Chúng ta cứ hình dung cơ quan Nhà nước giống như một công ty, công chức là nhân viên công ty nhưng không mang lại một chút hiệu quả công việc nào, thì tương lai công ty này sẽ đi về đâu thì mọi người cũng biết. Nhưng thử đụng đến các “công chức” này coi, có khi các sếp rớt ghế chứ không chơi”. "Ăn cắp" giờ công ra quán nhậu đã phần nào giải thích tại sao Việt Nam thuộc hàng “top ten” các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới: 2,6 tỉ lít bia/năm. Trong khu vực không có nước nào dám “cạnh tranh” với Việt Nam trong lĩnh vực này: Philippines: 1,6 tỉ lít, Thái Lan: 1,8 tỷ lít, Malaixia: 171 triệu lít, Indonesia: 236 triệu lít, kế đến là Campuchia, Lào, Singapore, và Myanmar.
Lãng phí từ… lãnh đạo
Nhiều bạn đọc thắc mắc: Ai cũng thấy, ai cũng biết và ai cũng tiếc nhưng sao không thấy ai thay đổi? Trả lời câu hỏi này không khó: hoặc năng lực lãnh đạo của những cơ quan này kém, hoặc là không muốn thay đổi. Dù là lý do gì thì điều cần thay đổi nhất chính là… lãnh đạo các cơ quan này.
Trước trả lời của ông Phạm Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên: “Hàng vạn cán bộ công chức làm sao có thể theo dõi hết được? Muốn chấn chỉnh điều này phải thay đổi cả ý thức hệ của những người làm công ăn lương. Mà điều ấy thì rất khó!”, nhiều bạn đọc cho đây là né tránh thực tế. Bạn đọc Hồ Nga dẫn chứng: “Hãy làm như các nước Tây Âu: trả lương cho hiệu quả công việc. Nếu thiếu năng lực, lười biếng, không có trách nhiệm thì cho thôi việc. Dù là tổng thống nếu trong giờ làm việc mà làm việc riêng còn bị phê phán nói chi là công chức quèn. Hãy thử xử lý rốt ráo xem ai còn dám "ăn cắp" giờ công, làm việc lề mề”.
Bạn đọc Quốc Thịnh nói thẳng: “Chúng ta đang bị lãng phí ngay từ khâu… lãnh đạo. Các ông cứ bao biện cho nhau chứ chuyện ăn gian giờ của Nhà nước muốn xử lý thì quá đơn giản, chỉ cần học theo doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân là đâu vào đó. Lãnh đạo làm việc đúng giờ, điểm danh từng bộ phận, ai vắng mặt thì buộc làm kiểm điểm. Nếu để xảy ra 3 lần (không xin phép trước) thì đuổi việc, đố anh công chức nào còn dám "ăn cắp" giờ công”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Sinh Thời có ý kiến: Nên có một cuộc cách mạng để làm mới bộ máy công chức và nhân viên chính quyền. Chứ như bây giờ thì mỗi cá nhân họ chỉ làm việc khoảng 5 giờ/ngày mà thôi, còn bao nhiêu dành cho hàng quán, nhậu nhẹt, bù khú tán dóc... Lương thì không thiếu một cắc mà nếu có thiếu thì khiếu kiện ngay tức thì và khiếu kiện không biết mệt mỏi. Đừng lãng phí tiền của người dân cho những “con sâu” này nữa.
Ngụy biện “Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống rất tốt. Ai cũng sống tốt nhưng không ai hài lòng. Ai cũng không hài lòng nhưng không ai chịu thay đổi. Đây là tình hình công chức hiện nay” - bạn đọc Nông Dân.
“Nếu nói việc cơ quan rảnh mới đi ra ngoài là ngụy biện. Bởi nếu muốn làm việc thì không bao giờ hết việc ở cơ quan. Nếu cho rằng do lương thấp thì càng không đúng vì thu nhập, bổng lộc của đội ngũ công chức hơn rất nhiều ngành nghề khác. Vả lại khi tuyển dụng anh đã quá biết mức lương như thế nào và nếu anh có năng lực thì hãy sang cơ quan khác làm việc với mức lương cao hơn. Lý do duy nhất là nơi đây thu nhập ổn định, ít bị cạnh tranh và anh lúc nào cũng tranh thủ việc công có thể làm việc riêng” – bạn đọc Lâm Thời. |
Bình luận (0)