Tối 4-10, trên mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn clip mà theo kết quả xác minh ngày 5-10 của Phòng Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là 6 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long đánh 2 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận. Đoạn clip ghi lại cảnh nhóm nữ sinh này nắm tóc, dùng dép đánh vào mặt, giẫm đạp lên người 2 nữ sinh trong khi nạn nhân trân mình chịu trận.
Tin tức về bạo lực học đường, trong đó có nhiều vụ có nữ sinh tham gia, thỉnh thoảng lại xuất hiện và xảy ra trên hầu khắp các địa phương cả nước. Tất nhiên không thể đổ lỗi tất cả cho ngành giáo dục bởi dù xã hội có phát triển đến đâu, môi trường giáo dục đầu tiên, có tầm quyết định quan trọng đến việc hình thành nhân cách, lối sống của con người vẫn chính là gia đình. Điều đó được minh chứng qua thực tiễn cuộc sống. Đa phần trẻ em phạm pháp đều chung hoàn cảnh: thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục từ gia đình.
Tiếp đó phải nhìn nhận ngành giáo dục của chúng ta lâu nay quá coi trọng kiến thức học vấn, xem nhẹ thực hành, ít giờ dạy đạo đức, lối sống, ứng xử… Con gái tôi học trung học phổ thông vẫn thường than thở không hứng thứ với giờ giáo dục công dân vì những bài học quá cao siêu, khó hiểu. Những vấn đề này báo chí đã nói nhiều, Bộ GD-ĐT chắc chắn cũng biết nhưng ngoài việc thay đổi liên tục cách thức thi cử thì chương trình học vẫn dậm chân tại chỗ, có chăng chỉ thêm bớt một vài bài học trong sách giáo khoa. Thử hỏi, có bao nhiêu học sinh hiểu rõ hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác bị pháp luật nghiêm cấm và nếu có hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý hình sự như thế nào? Môn giáo dục công dân cũng có dạy về pháp luật nhưng qua trao đổi với nhiều học sinh tôi thấy thật ra những kiến thức pháp luật cơ bản cần trang bị cho học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thông qua từng câu chuyện có thật hay tổ chức cho học sinh được tham dự một vài phiên tòa, qua đó rút ra bài học cho chính mình thật sự cần thiết hơn là những bài lý thuyết suông, những câu chữ khô khan, những định nghĩa khó hiểu.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm, hình thức xử lý những vụ bạo lực vừa qua vẫn chưa đủ sức răn đe. Dường như những dấu hiệu vi phạm pháp luật cơ bản này thường bị xã hội dễ dàng bỏ qua vì các em còn là học sinh. Đã đến lúc cần có biện pháp giáo dục nghiêm khắc, cứng rắn hơn đối với những thành phần học sinh chia bè phái, lập nhóm đánh bạn. Nếu chúng ta không có biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, thông tin về bạo lực học đường sẽ còn liên tục xuất hiện và hành vi chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Bình luận (0)