Mới đây nhất là vụ "xã hội đen" náo loạn phiên đấu giá đất ở Bình Thuận, khống chế, ép những người đấu giá phải nhượng bộ theo ý đồ của chúng để hưởng lợi. Trước đó, một số người đấu giá bị ‘tố’ thông đồng, dìm giá 17 lô đất để hưởng chênh lệch, gây thiệt hại hàng tỉ đồng ngân sách ở huyện Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông...
Nguyên nhân dẫn đến chuyện dàn xếp, thông đồng, dìm giá hoặc đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia là do việc định giá khởi điểm đất công đưa ra đấu giá quá chênh lệch, thấp hơn thị trường nhiều lần dù luật đã cho phép được đưa mức giá phù hợp thị trường. Cụ thể, để khắc phục tình trạng khung giá đất do nhà nước ban hành luôn phải chạy theo thị trường với khoảng cách khá xa, Luật Ðất đai năm 2013 và các văn bản liên quan đã quy định việc định giá đất không chỉ căn cứ vào khung giá do nhà nước ban hành mà còn căn cứ tình hình thực tế thị trường để đưa ra phương pháp tính toán giá phù hợp.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao các đối tượng ở xa còn biết giá trị đất đem đấu giá thấp hơn thị trường, trong khi cơ quan chức năng lại "không biết"? Có hay không các cán bộ, công chức liên quan đến việc đấu giá đất lợi dụng quyền hạn được giao để trục lợi? Dư luận nghi ngờ cũng đúng bởi chỉ khi định giá đất thấp thì mới có thể thỏa thuận, dàn xếp, tạo điều kiện cho nhau "kiếm chác". Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của việc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc định giá đất quá thấp so với thị trường khi đưa ra đấu giá thời gian qua.
Cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu thẩm định giá, phê duyệt giá khởi điểm đất đưa ra đấu giá sao cho thật sát với thị trường. Bên cạnh đó, cần quy định đối với tài sản nhà nước, nhất là đất công, nên giao cho cơ quan có chức năng đấu giá của nhà nước thực hiện, nhằm phòng ngừa sự cấu kết giữa doanh nghiệp đấu giá tài sản với cò mồi hoặc các đối tượng "xã hội đen".
Bình luận (0)