Thời gian gần đây, một số bệnh viện (BV) xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân (BN) tố cáo BV tắc trách, thờ ơ trong cấp cứu, điều trị khiến BN tử vong. Mới nhất là vụ một Việt kiều Mỹ tố BV Chợ Rẫy tắc trách dẫn đến cái chết của người thân bị viêm tụy cấp; một gia đình tố BV Đa khoa Vĩnh Long tắc trách khiến thai nhi song sinh chết lưu.
Cần hoàn thiện thủ tục pháp lý
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, BN chỉ được bác sĩ (BS) cung cấp thông tin liên quan chẩn đoán, điều trị và tóm tắt bệnh án chứ không phải toàn bộ hồ sơ bệnh án (HSBA). Việc xin toàn bộ HSBA dù với bất kỳ lý do nào cũng không được vì đây là tài liệu y khoa được quy định trong luật.
Trên thực tế, dẫu HSBA có ghi tình trạng bệnh, tiên lượng xấu… nhưng khi BS gọi người nhà vào giải thích thì hoàn toàn chỉ bằng lời nói, không được ghi lại, cũng không có cả việc người nhà ký tên xác nhận đã nghe rõ và chấp nhận. Đây cũng là một trong những lý do thường dẫn đến tranh cãi, kiện tụng giữa người nhà BN với BV khi xảy ra tử vong hoặc có biến chứng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, vấn đề phẫu thuật hay thủ thuật, dù lớn hay nhỏ, nguy cơ cao hay thấp…, thì cũng chỉ một mẩu giấy cam kết, nội dung rất chung chung là sau khi nghe BS giải thích (nhưng không ghi rõ chi tiết giải thích), thân nhân đồng ý thực hiện phẫu thuật, thủ thuật. Sau đó, thân nhân và BS ký tên.
Thủ tục pháp lý rất sơ sài nên khi xảy ra sự cố, dù BS làm sai, gia đình BN muốn kiện cũng rất khó; còn nếu BS không sai nhưng giải thích để thân nhân "tâm phục khẩu phục" cũng không dễ. Trong khi đó, bất kỳ giao dịch mua bán quan trọng ở ngoài xã hội đều có hợp đồng dân sự với những điều khoản chặt chẽ, quy định trách nhiệm rõ ràng.
Đó là chưa nói đến việc nhiều BV công quá tải nên BS chọn cách tập trung vào chuyên môn, phần giải thích cho thân nhân bị xem nhẹ.
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh LongẢnh: Ca Linh
Bác sĩ nên giải thích cặn kẽ, rõ ràng
Theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, để tránh xảy ra những hiểu lầm trong quá trình điều trị bệnh, giữa BS và thân nhân nên có sự trao đổi theo từng lộ trình trong quá trình khám và điều trị bệnh. Những ca nặng, ngay từ lúc nhập viện cấp cứu hoặc những giai đoạn tiếp theo trong quá trình điều trị, BS nên chẩn đoán bệnh sớm, giải thích rõ cho người nhà mức độ nặng - nhẹ của BN để họ chuẩn bị tâm lý. Nếu phẫu thuật, cần giải thích rõ những nguy cơ, nếu họ đồng ý thì mới ký vào hồ sơ bệnh…
"Đối với những ca bệnh, thân nhân cần hiểu rõ hơn về bệnh tình của BN thì BS cũng nên có lịch hẹn để trao đổi, giải thích rõ. Trong bất kỳ tình huống nào, việc trao đổi, giải thích, gắn kết với người nhà BN là một việc vô cùng cần thiết" - BS Vui nhận định.
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM, nhìn nhận sẽ có những lúc BS phải đối diện với những BN rất nặng, biết trước là khó qua khỏi. "BS hãy giải thích rõ ràng BN nặng như thế nào và BS sẽ cố hết mức. Khi BN tạm ổn, hãy quay trở ra và nói với những người đang đợi mình. Đừng bao giờ đóng chặt cánh cửa phòng cấp cứu lại để rồi chỉ mở ra và thông báo người thân họ đã chết. Nếu BN ra đi sau sự nỗ lực hết sức của một ê-kíp, người nhà nhìn thấy điều đó, họ sẽ bớt đau đớn rất nhiều" - BS Tiến chia sẻ.
Công khai hồ sơ bệnh án
Việc công khai HSBA hay không là chủ đề luôn gây nhiều tranh cãi ở các nước. Ở Mỹ, chỉ có BN hoặc người đại diện, được xác nhận bằng văn bản pháp lý hợp lệ, là có quyền tiếp cận hồ sơ y tế. Từ cuối năm 2010, một dịch vụ trực tuyến mang tên "Blue Button" được triển khai, trao quyền cho BN đối với dữ liệu sức khỏe của chính mình nhằm cải thiện chất lượng tương tác giữa BN và nhân viên y tế, nâng cao chất lượng điều trị và giảm một số chi phí. BN có thể tải về và in HSBA của mình để xem. Tất nhiên, các bên phải tuân thủ nhiều quy định bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. A.Thư
Quan trọng "thời gian vàng"
GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết với sự phát triển của y học hiện đại, tỉ lệ tử vong do viêm tụy cấp (VTC) đã giảm rõ rệt. Nếu 10 năm trước, VTC 10 BN, chỉ sống được 1- 2 BN, đến nay BN được cứu khoảng 80%, song tùy thuộc vào mức độ hoại tử tụy và "thời gian vàng" BN được cấp cứu, điều trị. Cũng lưu ý thêm, bệnh lý này diễn biến rất nhanh nên BN vào viện khi đã nặng và có biến chứng. Nguy hiểm nhất là suy đa tạng và đây cũng là nguyên nhân tử vong cao nhất.
Theo giới chuyên môn, việc cấp cứu sớm hay muộn chính là tiên lượng tốt hay xấu của người bệnh. VTC có tỉ lệ tử vong từ 10%-15%, riêng VTC thể hoại tử, tử vong có thể tới 40%.
N.Dung
Bình luận (0)