Theo Sở Xây dựng TP HCM, toàn TP hiện có gần 400 công viên. Trong đó có các công viên diện tích lớn, hình thành lâu đời (được gọi công viên công cộng tập trung, như: Công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9, Phú Lâm, Lê Thị Riêng…); công viên công cộng trong các khu dân cư; công viên mang tính chuyên đề (Đầm Sen, Suối Tiên, Công viên Văn hóa Lịch sử dân tộc…).
Quy hoạch công viên chưa đồng đều
Diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273 ha, chiếm tỉ lệ 55,6%, đạt bình quân 0,67 m2/người. Diện tích công viên khu vực quận mới là 172 ha, chiếm tỉ lệ 35% toàn TP, đạt bình quân 0,72 m2/người. Khu vực ngoại thành có diện tích công viên là 46 ha, chiếm tỉ lệ 9,4%, đạt bình quận 0,3 m2/người.
Đánh giá về toàn cảnh, Sở Xây dựng TP HCM cho biết diện tích công viên cây xanh (CVCX) tính trên đầu người thiếu, chất lượng cây xanh chưa bảo đảm. Đa phần đất CVCX hiện nay được quy hoạch là đất của người dân nên chi phí thực hiện đầu tư xây dựng cao. Công tác quy hoạch công viên hiện nay chưa đồng đều, có những địa phương không đáp ứng được chỉ tiêu công viên theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch đất cây xanh thành đất khác khá phổ biến. Phân bố công viên trên địa bàn TP không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành, trung tâm lại là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các vùng còn lại. Đồng thời, ở các quận mới, các huyện ngoại thành, diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế dù có quỹ đất quy hoạch CVCX rất lớn.
Đối với việc xây dựng mới công viên công cộng, trong 7 năm chỉ tăng thêm được 10,78 ha. Với tốc độ đầu tư như hiện nay (1,54 ha/năm), phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng gần 10.000 ha đất công viên còn lại trên địa bàn TP.
Diện tích cây xanh nhiều sẽ góp phần cho giá trị cuộc sống ở đô thị thêm xanh. Trong ảnh: Hồ Con Rùa.Ảnh: Hoàng Triều
Kiểm soát chưa chặt chẽ
Đối với công viên trong những khu dân cư ở các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh và số lượng dự án khu dân cư lớn, số lượng công viên đã xây dựng, bàn giao cho nhà nước quản lý rất hạn chế. Sở Xây dựng TP đánh giá công tác kiểm soát việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, CVCX trong các khu dân cư còn chưa chặt chẽ. Nhiều dự án được xây dựng, bán cho người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, CVCX, ảnh hưởng đến chất lượng sống và việc thụ hưởng tiện ích trong khu ở của người dân.
Ngoài ra, một số trường hợp chủ đầu tư cố tình không đền bù, giải tỏa phần đất xây dựng công viên hoặc điều chỉnh đất CVCX thành loại đất khác. Một số địa phương còn sử dụng đất công viên để thực hiện các công trình khác, như: trạm điện, khu xử lý nước thải, nhà điều hành khu phố...
Hầu hết các công viên được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với thời gian đã lâu nên hiện hạ tầng xuống cấp. Công tác sửa chữa, nâng cấp vẫn mang tính tạm thời, chắp vá. Các công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng hoặc có quy hoạch nhưng không còn phù hợp với thực tế. Thiếu quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng làm cho việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên không thể kiểm soát, thiếu định hướng cho việc nâng cấp, cải tạo phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân, cũng như cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để kiểm tra, chấn chỉnh. Các công viên chưa được đo vẽ, xác định ranh mốc làm cơ sở cho việc quản lý, hạn chế tình trạng lấn chiếm trong công viên cũng như việc tái lập mặt bằng theo đúng hiện trạng, quy hoạch xây dựng công viên.
Hiến kế sát thực tế và khả thi
KTS Trần Vĩnh Nam (đang công tác tại Singapore) cho biết những hiến kế từ tác giả Nguyễn Kiến trong bài viết "Lắng nghe người dân hiến kế: Giải pháp tăng diện tích công viên cây xanh" đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có thể áp dụng tốt. Một số nước đã khuyến kích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, khai thác các dịch vụ công viên theo hình thức xã hội hóa nhưng phải phù hợp với quy hoạch, định hướng xây dựng và các quy định về đầu tư - khai thác.
"Singapore có nhiều loại hình công viên, như: công viên công cộng tập trung, công viên giải trí, công viên thiếu nhi, công viên sinh thái, công viên đất ngập nước, công viên ven biển, công viên kết nối khu vực, công viên trong khu ở. Loại hình công viên được xác định dựa trên quy hoạch, điều kiện cảnh quan thực tế, nhu cầu, dân số tại khu vực. Mỗi một loại hình công viên sẽ có cơ cấu sử dụng đất tương ứng làm cơ sở để triển khai thiết kế, xây dựng. Giải pháp tạm thời, điều chỉnh 50% diện tích khu công viên chuyển thành khu thương mại - dịch vụ là rất thiết thực. Tuy nhiên, để thành công, yếu tố hàng đầu vẫn là công tác quản lý. Làm sao để nơi đây không những là địa điểm kinh doanh mà còn là nơi để người dân hít thở, tập thể dục" - KTS Trần Vĩnh Nam phân tích.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết bài hiến kế "Giải pháp tăng diện tích CVCX" có những thông tin hữu ích. "Từ những hiến kế này, trong thời gian tới, đơn vị sẽ đưa vào các buổi hội thảo, góp ý để lấy ý kiến các đơn vị nhằm tăng thêm diện tích cây xanh và công viên trên địa bàn TP HCM" - vị này bày tỏ.
Kế hoạch xây dựng công viên trong 5 năm tới
Sở Xây dựng TP HCM ban hành kế hoạch trong vòng 5 năm tới hình thành các công viên diện tích lớn tại TP, gồm: Khu vực nội thành: Công viên ven sông kênh rạch (rạch Xuyên Tâm, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Tham Lương Bến Cát): 20 ha; TP Thủ Đức: Công viên ven sông và quảng trường Thủ Thiêm: 24 ha, Công viên Linh Xuân 2,3 ha, Công viên Tam Phú 79 ha; quận 4: Công viên Hồ Khánh Hội: 15 ha; quận 7: Công viên Mũi Đèn Đỏ: 47 ha; quận Gò Vấp: Công viên Gò Vấp: 37 ha; huyện Bình Chánh: Công viên Hồ Vĩnh Lộc: 41 ha; quận 12: Công viên Thạnh Xuân - Thới An: 120 ha; huyện Hóc Môn: Công viên Đông Thạnh: 40 ha, khu đất quy hoạch đất công viên 184,2 ha; huyện Củ Chi: Công viên Sài Gòn SAFARI: 485 ha.
Bình luận (0)