"Ở khu vực tôi sống, mỗi hộ gia đình được phát tờ rơi hướng dẫn cách PLR và bắt buộc phải thực hiện. Có thể dùng bất kỳ bao bì nào để chứa rác nhưng phải dán tem in thông tin là loại chất thải gì. Tem dán này do phường hỗ trợ. Nếu hộ nào không dán tem vào bao rác thì người thu gom không lấy. Tôi thấy cách làm này rất hay, đơn giản mà hiệu quả, không cần phải giám sát hay kiểm tra xử phạt, người dân cũng nghiêm túc thực hiện".
Tương tự, quận Bình Thạnh triển khai thí điểm PLRTN từ năm 2017, tập trung vào tuyên truyền, vận động để tạo thói quen cho người dân. Năm 2017, quận tiến hành phát bao chứa rác có in thông tin rác thải hữu cơ và chất thải còn lại. Tuy nhiên, phần đông người dân không ủng hộ. Năm 2018, quận thay đổi cách thực hiện bằng việc dán tem tên loại chất thải. Mỗi hộ gia đình được phát 1.000 tem/6 tháng. Đến nay, người dân đã có ý thức hơn trong việc PLR.
Góp ý cho việc PLRTN, ông Nguyễn Hồng Lĩnh (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh) đề nghị: "Thu gom rác đã được phân loại theo ngày là giải pháp hợp lý nhất hiện nay, giúp tiết kiệm chi phí. Để việc PLRTN đạt hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền đến từng hộ dân, phải có chế tài xử phạt và thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn TP. Cần luật hóa để việc PLR trở thành thói quen và chuẩn mực sinh hoạt mới của dân cư. Khi đó sẽ không cần đến đội ngũ thường xuyên kiểm tra, xử lý mà chính người dân sẽ tự nhắc nhở nhau thực hiện, cũng như quy định về đội mũ bảo hiểm trước đây".
Tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, nơi được thực hiện thí điểm PLRTN, nhiều người dân vẫn để chung rác vào một bao, không phân loại (ảnh: Trịnh Thiệp)
Quận 1 và quận 6 cũng nằm trong chương trình thí điểm PLRTN từ năm 2015-2017, đến nay có người thực hiện tốt nhưng cũng có người… bỏ luôn. "Mới đầu thấy rắc rối nhưng sau đó hầu như trong các cuộc họp ở phường hay tổ dân phố đều nói đến, rồi mình thực hiện, lâu dần thành thói quen. Giờ ai trong nhà tôi cũng PLR, đứa cháu mới 5 tuổi cũng làm. Hàng xóm xung quanh cũng luôn thực hiện như vậy, riết rồi thấy đó là chuyện thường ngày" - chị Nguyễn Thu Nga (ngụ hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Châu (đường Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6) cho biết: "Hồi đầu thực hiện thì có làm một số ngày. Phường cũng thường xuyên tuyên truyền PLR nhưng mọi người không chịu thực hiện. Một số người ban đầu thực hiện tích cực, sau đó thấy nhiều người không làm nên họ cũng bỏ luôn".
Tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, nơi được thực hiện thí điểm PLRTN với 191 hộ dân với 3 đối tượng (gồm hộ dân ở mặt tiền đường, hộ trong hẻm và hộ ở nhà trọ). Tuy nhiên, ngày 22-11, trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân ở mặt tiền đường đến trong hẻm của tổ 9, 10 thuộc phường Tân Thới Hiệp không quan tâm và không biết đến việc này. Theo ông L.N.N (cán bộ về hưu; ngụ khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp), chính quyền đã thực hiện thí điểm PLR từ năm 2014 nhưng cho đến nay việc này không khả thi vì ý thức người dân chưa cao. Hơn nữa, người dân thấy bất cập khi mình PLR, còn người thu gom cho chung vào một xe, bãi rác không có hệ thống xử lý từng nguồn rác riêng lẻ, họ thấy công sức bỏ ra uổng phí nên không làm. Ngoài ra, có một số người mang suy nghĩ đã đóng tiền thu gom rác thì việc PLR là của người thu gom, không phải việc của họ.
Theo ông Võ Thành Nhân, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6, trong thời gian thí điểm, phường 12, quận 6 cũng đã tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức và thực hiện việc PLR. Tuy nhiên, do không có chế tài xử phạt và chính sách hỗ trợ nên người dân phân loại xong lại bỏ chung vào một thùng. Đối với việc thí điểm thu gom từng loại rác theo ngày, quận đã triển khai nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân vì rác hữu cơ thu gom cách ngày, để trong nhà gây hôi thối.
Bình luận (0)