xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phận sự mặc định của báo chí

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Không chỉ là sự hy sinh tính mạng (nếu cần) mà còn là sự lao động nghiêm túc, hướng thiện, vì lợi ích cộng đồng… Đó là những điều các nhà báo phải hướng tâm để rèn luyện, để thực hiện

Hình ảnh phóng viên Abd Alkader Habak tuyệt vọng quỳ khóc khi chứng kiến thi thể một em bé trong vụ đánh bom đẫm máu giữa tháng 4-2017 ở ngoại ô TP Aleppo (Syria) đã khiến nhiều người xúc động.

Theo đuổi nghề phóng viên ảnh ở đất nước đắm chìm trong bom đạn chiến tranh hơn 6 năm qua, Habak chẳng xa lạ gì với những hình ảnh thương đau chết chóc hay hỗn loạn bạo lực. Vậy nên, khi "chứng kiến trẻ em kêu khóc thảm thương và chết ngay trước mắt mình", Habak cùng đồng nghiệp quyết định gạt camera sang một bên và bắt đầu cứu giúp người bị thương.

Cứu giúp người bị thương không phải là kỹ năng làm báo. Nhưng trong khoảnh khắc sinh tử, trước nỗi đau của đồng loại, Habak cùng đồng nghiệp đã làm điều đó như một bản năng lương thiện. Thứ bản năng có trong tất cả những người tử tế, không ngoại trừ các nhà báo; và được nhen lên thành sức mạnh vô biên, có khi được nhìn thấy như một sự dũng cảm vô thường trước hiểm nguy.

Chống lại cái ác, cái tha hóa là một trong những phận sự mặc định của người làm báo tử tế, dù ở bất kỳ quốc gia nào. Những người làm báo Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta có quyền tự hào về một đội ngũ báo chí Việt Nam đang lớn mạnh từng ngày, từng giờ, không chỉ về số lượng; có quyền tự hào về những thế hệ nhà báo đã trưởng thành từ trong kháng chiến cứu quốc và cả trong thời bình. Chỉ riêng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, những đóng góp to lớn của báo chí đã được Đảng và nhà nước trân trọng ghi nhận.

Thật đáng trân quý biết bao trước sự lao động miệt mài và trách nhiệm của rất nhiều nhà báo. Ở họ, có sự hy sinh thầm lặng.

Phận sự mặc định của báo chí - Ảnh 1.

Báo chí Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt về đưa thông tin sớm, hay, chính xác…Ảnh: hoàng Triều

Nuôi dưỡng nên sự trưởng thành của báo chí Việt Nam ngày nay ngoài cơ chế, chính sách, sự định hướng của Đảng, nhà nước, Chính phủ… còn có cả nguồn năng lượng vô biên từ độc giả. Đấy có thể là những doanh nhân đồng hành với hoạt động báo chí, là những bạn đọc đã cung cấp nguồn tin cho báo chí rồi lại lặng lẽ cầm đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình mua báo hoặc chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những vùng đất khó khăn đang bị thiệt hại bởi thiên tai, địch họa. Độc giả vốn độ lượng trước những sai lầm của các nhà báo, trước thảm trạng "truyền thông bất lương", để mãi mãi làm ân nhân vô lượng của báo chí.

Cho nên, không chỉ là sự hy sinh tính mạng (nếu cần) mà cả sự lao động nghiêm túc, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, một lòng vì lợi ích đất nước… là những điều đang đòi hỏi các nhà báo phải hướng tâm để rèn luyện, để thực hiện. Và đấy cũng chính là một cách để tri ân độc giả. 

Cùng làm báo với Người Lao Động

Diễn đàn "Tạo sức bật cho 7 chương trình đột phá" đăng Báo Người Lao Động từ ngày 12 đến 16-4-2017 đoạt giải B báo chí TP HCM năm nay (nhóm công trình). Ba tác giả loạt bài là cộng tác viên của báo chia sẻ suy nghĩ của mình


img

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM):

Báo đã đánh giá đúng…

Tôi nhận lời tham gia diễn đàn "Tạo sức bật cho 7 chương trình đột phá" của Báo Người Lao Động với mục đích chính là đồng hành với nỗ lực của TP HCM; xem ý kiến của mình chính là đóng góp cho thành phố. Khi hay tin diễn đàn này đoạt giải B, tôi cảm thấy rất vui vì sự hiến kế của mình - thể hiện bằng tác phẩm báo chí - đã được những người chấm giải và lãnh đạo TP HCM ghi nhận. Việc chọn bài đăng và đưa đi dự thi cho thấy Báo Người Lao Động đã đánh giá đúng tầm mức của đề tài.

Giải thưởng một mặt khẳng định uy tín của Báo Người Lao Động, một mặt trở thành động lực cho các cộng tác viên báo chí là chuyên gia như tôi tiếp tục làm báo cùng các bạn, đóng góp vào sự phát triển của TP HCM.


img

TS PHẠM SANH

TS PHẠM SANH (chuyên gia giao thông):

Giúp quản lý xã hội tốt hơn

Trong 7 chương trình đột phá có chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Tôi viết bài về nội dung này, tham gia diễn đàn và đoạt giải nên cảm thấy mừng vì ý tưởng của mình được chia sẻ với công chúng, được giới chuyên môn chú ý và được người có trách nhiệm của TP HCM lắng nghe.

Giải quyết bài toán giao thông ở TP HCM không thể trong một sớm một chiều. Tôi tin báo chí vẫn sẽ là kênh chuyển tải ý kiến phản biện uy tín, quan trọng và qua đó giúp nhà chức trách quản lý, điều hành xã hội ngày càng tốt hơn.


img

Ông TRẦN ANH TUẤN

Ông TRẦN ANH TUẤN (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM):

Làm tốt hơn vai trò cầu nối

Lao động - việc làm là lĩnh vực khô khan trên thực tế, lên báo càng "khô" hơn nếu thể hiện thông tin không khéo. Ấy thế nhưng từ nguồn "thông tin văn bản" của tôi, tòa soạn đã dựng thành bài báo khá mượt mà, biên tập kỹ lưỡng và "nhấn nhá" đúng trọng tâm chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - là một trong 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã đề ra.

Tôi cộng tác với Báo Người Lao Động hàng chục năm qua. Lao động - việc làm vốn là thế mạnh của báo. Nay bài báo của tôi về lĩnh vực này được trao giải báo chí, tôi rất cảm kích vì mảng này được quan tâm đúng mực và xem đây là "trái ngọt" của sự hợp tác. Hy vọng Báo Người Lao Động sẽ làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối thông tin.

Q.An ghi

Bữa thịt dê, chuyến bay hoãn và…

Quán dê X. trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) một chiều tháng 6. Tôi chọn quán này trên đường đưa một đồng nghiệp ra sân bay trở lại TP HCM vì quán chỉ cách cổng sân bay chưa đến một cây số, có thể nhâm nhi thoải mái, chừng nào cận giờ thì hãy đứng lên. Sau chuyến làm việc tại miền Trung, bạn tôi lấy vé về tòa soạn trước để kịp vào ca trực sáng hôm sau. Tôi còn nán lại Đà Nẵng thăm người thân.

Trời mới nhá nhem tối, còn gần 2 giờ cho một bữa nhậu ra trò! Tôi đinh ninh thế nào ông bạn Nam Bộ cũng hài lòng với món dê đặc sản Đà Nẵng vốn có vài điểm khác so với cách nấu ở TP HCM. Nhiều năm cùng làm việc, cùng ngồi quán, tôi biết anh có thú vui khám phá ẩm thực ở các vùng đất mới. Những kỷ niệm giàu xúc cảm… ăn uống qua giọng kể hào hứng của anh nói hết điều này.

Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như chuyến bay Đà Nẵng - TP HCM tối ấy không hoãn đến hơn 2 giờ. Hơn 120 phút dằng dặc ngồi ở phòng chờ, người khách Nam Bộ vừa bịn rịn rời quán cứ chép miệng tiếc rẻ. Chao ôi, phải chi biết trước sự thể này để ung dung nán lại. Một nửa đĩa hấp, một phần đĩa sườn nướng còn đó. Cả nồi lẩu cũng nào đã hết đâu! Ngồi bó gối ở phòng chờ, nghe thời gian chầm chậm trôi vào lúc bụng dạ hãy còn cồn cào tơ tưởng mùi hương trong lòng quán, đồng nghiệp tôi gọi đó là… sự oái oăm.

Mười lần như chục, mỗi khi kể đến đoạn cao trào này, mắt bạn lại ánh lên nét chịu đựng kèm theo nụ cười tê tái. Giọng anh vừa hóm hỉnh vừa bùi ngùi:

"Tái dê chấm với tương gừng

Ăn vô một miếng phừng phừng…"

Nhưng trong ánh mắt và nụ cười ấy, tôi nhận ra ngoài sự chịu đựng, nhẫn nhịn còn hiển hiện một cá tính tôn trọng kỷ luật, một thái độ sống đề cao sự tự trọng nghề nghiệp.

Với tôi, câu chuyện thịt dê Đà Nẵng mỗi lần nghe người bạn nhắc tới lại gợi nhớ một hàm ý về khía cạnh thời gian - thời gian trong cuộc đời và thời gian trong lao tác, đặc biệt với nghề báo. Rằng, để sống an hòa, thân ái và tôn trọng nhau, con người cần hạn chế đến mức thấp nhất sự phí phạm thời gian của chính mình và của người khác. Không riêng các hãng máy bay, ngay cả những người làm báo, nếu không khéo léo và đủ bản lĩnh để cung cấp cho người đọc những thông tin kịp thời, sốt dẻo đáp ứng nhu cầu tri nhận thì cũng dễ làm hao tổn thời gian, công sức của người đọc. Cũng như chuyến bay hoãn kia, sự oái oăm xuất hiện khi độc giả chờ đợi một đằng song người làm báo lại cung cấp một nẻo để rồi sớm sớm lại áp vào tay họ trang báo nguội lạnh, chật chội những điều xa vời cao siêu song vắng bóng hơi thở đời thường.

Và, vì nghề báo không có tuổi, những gợi nhắc về thời gian, về chất thời sự cùng chức nghiệp của người làm báo không bao giờ thừa nên tôi nghĩ câu chuyện về chuyến bay hoãn kia thế nào rồi cũng được bạn đồng nghiệp của tôi nhiều lần kể lại sau này mỗi khi có dịp. Ồ, hãy sẵn sàng đi bạn làm báo trẻ, cái giọng tưng tửng của con người trải qua gần hết tuổi đời làm báo kia bắt đầu rồi kìa:

"Tái dê chấm với tương gừng…".

Nguyễn Đình Xê

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo