Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM):
Nên phân xử theo phong tục, tập quán Việt
Trường hợp này pháp luật chưa có quy định cụ thể nên những quy định của nội dung khuyến mãi là căn cứ quan trọng để phân xử: Nếu nội dung quy định người mua được trúng thưởng thì người mua sẽ được hưởng, còn quy định người mua được thưởng thì người khui hưởng. Trong trường hợp cả nội dung khuyến mãi cũng không quy định cụ thể đối tượng được hưởng (người khui hay người mua) thì phải phân xử theo phong tục, tập quán của người Việt. Điều 14 Bộ Luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật...”. Theo đó, những người tham gia cuộc vui được chia đều giải thưởng. Theo tôi, đây là may mắn chung nên làm theo cách tình nghĩa như ông bà thường bảo: “Có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chia”.
Luật sư Phạm Ngọc Khuê Trang (Đoàn Luật sư TPHCM):
Người bỏ tiền ra mua thì được hưởng
Mục đích của khuyến mãi là nhằm vào người tiêu dùng trực tiếp. Theo tôi, trong trường hợp này người nào bỏ tiền ra mua thì người đó phải được hưởng.
Ông Nguyễn Văn Chung, kiểm sát viên trung cấp Viện KSND TPHCM:
Người được cho là người sở hữu
Người cầm chai lật nắp ra, phần thưởng sẽ thuộc về anh ta, vì khi đi uống bia thường có một quan niệm “hồn ai nấy giữ”, đây là một quy định bất thành văn. Anh mua cho tôi thì tôi là người sở hữu, may mắn thuộc về phần ai thì người đó được hưởng.
Ông Huỳnh Thanh Bình, ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty Dệt Đông Á:
Tất cả đều là công nhân của Công ty Dệt Đông Á
Những người trong bàn tiệc hôm 12-7 đều là công nhân của Công ty Dệt Đông Á. Ông Điện mời ông Sự đi nhậu, ông Sự mời thêm ba người bạn khác là ông Sơn, ông Linh và ông Doãn. Người may mắn có được nắp chai bia Tiger trúng thưởng chiếc xe Toyota Land Cruiser là ông Sơn. Sau khi sự việc xảy ra làm cả công ty sôi động. Chúng tôi chưa thể có ý kiến gì về việc chia phần trúng thưởng...
Bình luận (0)