Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thành phố hiện có khoảng 3 triệu người nhập cư. Trong đó, chiếm số đông là công nhân lao động và phần lớn có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội hoặc phòng trọ.
Khó tiếp cận các gói hỗ trợ
UBND TP HCM cho biết giai đoạn 2016 - 2020, thành phố xây dựng được 15.000 căn nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.
TP HCM có khoảng 3 triệu người nhập cư, trong đó chiếm số đông là công nhân lao động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi giá rẻ. Số công chức, viên chức được hỗ trợ vay ưu đãi trong 20 năm để mua nhà còn thấp…
Trong khi đó, những gói vay ưu đãi dành riêng cho xây dựng nhà ở xã hội cũng đang có nguy cơ "ế". Điển hình, trong giai đoạn 2022 - 2023, Quốc hội đã phê chuẩn gói tài chính 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, trong đó có cho vay xây dựng nhà ở xã hội.
Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho rằng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất này. Trong khi đó, với mức lãi suất cơ bản hiện tại cùng với cơn "bão" giá vật liệu xây dựng, nếu không tăng giá bán nhà thì sẽ bị lỗ. Thực tế là trong 3 năm qua, không ít doanh nghiệp đã làm đơn xin điều chỉnh giá, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ.
Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm trong 2 năm 2022-2023 cũng đã được thông qua. Tuy nhiên, đến nay, rất ít người vay được gói này vì điều kiện khó; nếu có vay được tiền thì cũng không có nhà để mua.
Do chưa có sự nhất quán trong việc triển khai các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi với các bên liên quan nên đã làm phát sinh 2 vấn đề. Một là, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang không còn được tiếp tục vay vốn ưu đãi, dẫn đến dự án thiếu vốn. Hai là, chủ đầu tư phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại khiến công trình kéo dài, dẫn đến lợi nhuận của dự án đem lại rất thấp.
Các dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn công. Thế nhưng, nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương dành cho lĩnh vực này vẫn còn giới hạn, dẫn đến khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.
Cần sửa đổi Luật Nhà ở
Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện, như: vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa...
Về lâu dài, bố trí nguồn chi ngân sách nhà nước trung hạn trong mỗi giai đoạn 5 năm để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Xem xét bổ sung danh mục chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho "Chi tái cấp vốn, cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở". Qua đó, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan. Trong đó, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cần có chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư sao cho đa dạng về diện tích và chất lượng nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm thu nhập khác nhau.
Luật Nhà ở nên quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và "nhà ở giá phù hợp với thu nhập" của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp song vẫn đầy đủ tiện ích và dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, như nhiều nước đã thực hiện.
Lưu ý, ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn này chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện, đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Đề xuất Chính phủ bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển "nhà ở giá phù hợp thu nhập" cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn "vốn mồi" thực hiện chính sách này. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép một số ngân hàng thương mại lớn được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bình luận (0)