Thực tế, việc lãnh đạo địa phương, sở - ngành... công khai số điện thoại cá nhân với mục đích tiếp nhận các thông tin, phản ánh, kiến nghị, thậm chí là khiếu nại, bức xúc của người dân, là chuyện không mới. Trước đó, một số lãnh đạo ở nhiều địa phương đã từng thực hiện và được quan tâm, đồng tình, ủng hộ.
Đây là cách làm hay, đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Suy cho cùng, đó cũng là cách thể hiện sự công khai, minh bạch và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ công của lãnh đạo địa phương, sở - ngành mà người dân tin tưởng giao phó.
Đây cũng là một trong những "kênh" để người đứng đầu địa phương, sở - ngành tiếp nhận thông tin, tiếp thu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề đạt, phản biện, góp ý của người dân về các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, quy hoạch, chính sách pháp luật... Người dân luôn mong mỏi được lắng nghe, giải quyết thấu đáo những phản ánh, khiếu nại, bức xúc của họ liên quan đến quyền lợi chính đáng khi làm hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính.
Điều mà người dân cần và quan tâm nhất là thông qua "đường dây nóng", số điện thoại cá nhân của lãnh đạo địa phương, sở - ngành, những phản ánh, bức xúc, nguyện vọng của họ sẽ được nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết rốt ráo. Việc công khai số điện thoại cá nhân, vì vậy, cần đem lại kết quả thực chất chứ không phải là hình thức, được một thời gian thì "đường dây nóng" trở nên "nguội lạnh".
Dĩ nhiên, khi có quá nhiều cuộc gọi, tin nhắn, người đứng đầu địa phương, sở - ngành không thể hoặc chưa thể nắm bắt để trả lời hết trong một thời gian ngắn. Do đó, cần thiết phải có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm hỗ trợ, trước mắt chọn lọc ra những phản ánh, khiếu nại "nóng" nhất, đủ căn cứ để vào cuộc giải quyết ngay.
Có như vậy, việc công khai số điện thoại cá nhân lãnh đạo địa phương, sở - ngành sẽ có ý nghĩa thực tế; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, cải thiện thái độ phục vụ, củng cố niềm tin cho người dân.
Bình luận (0)