Sau buổi sơ duyệt phác thảo phục trang và bối cảnh phim Thái tổ Lý Công Uẩn, dư luận có nhiều ý kiến chê trách, lo lắng cho bộ phim tương lai. GS Lê Văn Lan, một thành viên của Hội đồng biên tập phim, cũng có những ý kiến phê phán khá mạnh mẽ.
Thực ra, bản chất của buổi sơ duyệt này là báo cáo các kết quả nghiên cứu, khảo cứu ban đầu để làm cơ sở cho các nghệ sĩ sáng tác. Giống như kéo nhau đi xem mảnh đất sẽ xây nhà, xem catalog của mấy ngôi biệt thự và nghe ông chủ trình bày kế hoạch thuê thợ xây dựng..., chưa phải xem bản thiết kế ngôi nhà tương lai. Nhưng công luận và các nhà chuyên môn lại nhìn những phác thảo nghiên cứu đó như những phác thảo sản xuất nên phê phán nó!
Để khắc phục, GS Lê Văn Lan cho rằng hai ông họ Lê (Lê Đức Tiến - nhà sản xuất và Lê Văn Lan – nhà khoa học) cần phối hợp chặt chẽ hơn. Tôi không nghĩ vậy. Thực ra, trong giai đoạn đầu tiên này, anh Tiến có biểu hiện coi trọng các nhà khoa học hơn nghệ sĩ. Việc sửa chữa viết lại kịch bản GS Lê Văn Lan được tham gia góp ý từ đầu đến cuối, đọc kịch bản năm lần bảy lượt nhưng tôi là đạo diễn trong Ban Dự án mà có được biết gì đâu?! Vì nhà sản xuất quá coi trọng nhà khoa học nên các phác thảo được trưng bày đậm tính nghiên cứu mà chưa thấy tư duy nghệ sĩ. Ta có thể thấy dấu vết của các nhà khoa học ở những bản vẽ kỹ thuật thiết kế điện Càn Nguyên, những mẫu phục trang thể hiện sự nghiên cứu trang phục của nhà Tống, của tượng Kim Cương… nhưng ta chưa thấy trí tưởng tượng của nghệ sĩ và những hình tượng điện ảnh gắn liền với nhân vật, tôn giáo và triều đại.
GS Lê Văn Lan nói rằng phác thảo dở và sai là do nghệ sĩ sáng tác một mình, thiếu sự chỉ đạo của các nhà khoa học là không đúng. Nhìn chung, những phác thảo hôm đó chưa phải là con đẻ của các nghệ sĩ, chưa có sự chỉ đạo của đạo diễn và họa sĩ phim. Nhưng với tư cách là những ý tưởng ban đầu thì mảng phục trang của TS Nguyễn Thị Tình và những gợi ý bằng hình và bằng lời của họa sĩ Phan Cẩm Thượng là rất có giá trị. Như vậy, mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và nghệ sĩ hiện nay đang có vấn đề? Theo anh nên xử lý mối quan hệ đó thế nào để đi đến những phác thảo có tính nghề nghiệp hơn, có thể dựa theo đó mà may phục trang hay xây dựng bối cảnh cần nhanh chóng đưa nghệ sĩ vào cuộc. Nghĩa là, mối quan hệ nghệ sĩ và nhà sản xuất cần chặt chẽ hơn, chứ không phải mối quan hệ nhà khoa học và nhà sản xuất cần gắn bó hơn. Không phải hai ông họ Lê cần hợp tác chặt chẽ hơn mà hai ông họ Lê cần hợp tác chặt chẽ hơn với các ông nghệ sĩ họ Đỗ, họ Vương, họ Vũ và nhiều họ khác chứ không chỉ họ Lê!
GS Lê Văn Lan là một học giả uyên bác, nhiệt tình, cởi mở, có nhiều ý kiến sắc sảo. Trong quá trình sáng tác, chúng tôi vẫn thường xuyên tranh thủ tham khảo ý kiến của ông. Nghệ sĩ cần lắng nghe các nhà khoa học nhưng mặt khác, các nhà khoa học không nên làm "dì ghẻ" của nghệ sĩ, bao sân mọi quá trình sáng tác. Nên để cho nghệ sĩ sáng tác phóng túng theo cảm xúc rồi tư vấn và phản biện.
Bộ phim là sản phẩm của các nghệ sĩ là hiển nhiên. Nhưng nếu không có các nhà khoa học tham gia vào quá trình sáng tác thì làm sao bộ phim có thể chính xác với lịch sử? Nhà khoa học chỉ có thể tư vấn và phản biện, nếu họ tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tác thì khác gì đòi bác sĩ phụ khoa lên giường với chị em đến khám?! Nói vui vậy thôi nhưng quả thực hiện nay trong xã hội có sự lầm lẫn đánh đồng giữa tư vấn, phản biện và sáng tác. Xã hội trông cậy vào nhà khoa học quá nhiều trong việc sáng tác phim lịch sử. Nhiều nghệ sĩ dám ngồi không đúng chỗ vì hy vọng được các nhà khoa học cầm tay chỉ việc. Sáng tác là công việc của trí tưởng tượng nghệ sĩ, không thể trông chờ các nhà khoa học sáng tác thay. Nếu không phân biệt được tư duy khái niệm của nhà khoa học và tư duy hình tượng của nghệ sĩ thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn về tiêu chí.
Theo GS Lê Văn Lan, “văn hóa ngựa xe” vốn được bắt nguồn từ văn hóa chăn nuôi thảo nguyên chỉ có ở Trung Quốc, còn ta là nước lắm sông ngòi hồ ao, lại ít ngựa, nên không có văn hóa ngựa xe? Tôi không nghĩ như vậy. Quân xâm lược phương Bắc và quân Nguyên Mông đã sử dụng hàng vạn con ngựa để dày xéo Việt Nam, phi ngựa vào tận thành Thăng Long, hà cớ gì người Việt không thể phi ngựa trên đất Việt? Bảo là ngựa ít không thể có văn hóa ngựa cũng không chính xác. Trung Quốc từng có hàng triệu con ngựa nhưng sau khi nhà Hán sụp đổ, rợ Hung Nô đã thống trị miền Bắc Trung Hoa và lấy ngựa đi nên khi nhà Đường thành lập cả Trung Hoa vỏn vẹn chỉ có khoảng 5.000 con ngựa. Vậy mà 50 năm sau, số ngựa của Trung Quốc đã lên tới 706.000 con. Nước mình cũng vậy thôi, lúc đầu ít ngựa nhưng rồi ngựa của giặc mình bắt được đẻ thêm ra hàng vạn con. Thời Lý, cụ Lý Công Uẩn đã bắt được hơn một vạn con ngựa, bắt của người Man sang ta buôn bán chui. Tức là chỉ một món chiến lợi phẩm của nhà Lý đã gấp đôi số ngựa của nhà Đường lúc mới thành lập. Thế thì tại sao nước ta lại không thể có văn hóa ngựa xe?
Thực tế là các cụ tổ ta đã sử dụng ngựa xe từ mấy ngàn năm rồi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất nhiều việc liên quan đến ngựa xe. Năm Canh Thân (181 tr. Tây lịch), Hán triều sai tướng đem quân sang đánh Nam Việt. Quân nhà Hán chịu không được thủy thổ phương Nam, nhiều người phải bệnh tật, bởi vậy phải thua chạy về Bắc. Từ đó, thanh thế Triệu Vũ Đế lừng lẫy, đi đâu dùng xe ngựa theo nghi vệ hoàng đế, như vua Nhà Hán vậy.
Tôi vốn là người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trước khi đi học đạo diễn nên trong nhà sẵn các loại sách vở và tài liệu. Hai năm nay để viết hai kịch bản tham gia đấu thầu đạo diễn, tôi phải tra cứu nhiều nên nhớ. Kịch bản của tôi cũng khai thác nhiều tình tiết liên quan đến ngựa, chẳng hạn hư cấu chuyện Châu Vị Long câu kết với Đào Khánh Văn mưu phản đã dâng bạch mã cho Lý Công Uẩn để gài giám mã làm gián điệp, sau này đức độ của Lý Công Uẩn và hoàng hậu đã thu phục được viên giám mã và vì thế phá tan âm mưu ám sát Hoàng đế của đám này.
Bình luận (0)