Từ 17 giờ mỗi ngày, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) bắt đầu bước vào thời gian nhộn nhịp. Bao giờ xe bán hàng rong cũng xuất hiện đầu tiên, tiếp đó mới đến những bước chân của các bạn trẻ, người dân, khách du lịch dạo phố.
Lộn xộn, "chặt chém"
Các xe, gánh bán hàng rong đủ loại, đủ màu sắc và hình thức gây chú ý. Càng về đêm, tương ứng với lượng người đổ về phố, những xe này đông đúc hơn. Hình ảnh lộn xộn, ngang nhiên bày ghế nhựa xâm phạm không gian công cộng thì không đếm xuể.
Hàng rong trên phố đi bộ Ảnh: MINH DIỄM
Suốt chiều dài của phố đi bộ Nguyễn Huệ là những cụm hàng rong, mỗi cụm tập trung từ 3 - 5 xe hoặc gánh bán đồ ăn hoặc nước uống hoặc cả 2.
Ngoài việc sẵn sàng la lối, đuổi bất cứ ai không sử dụng hàng của mình ra chỗ khác, nhiều chủ nhân những xe ấy không quan tâm việc treo bảng giá. Điều này khiến không ít "thượng đế" đánh mất niềm vui dạo chơi, thăm thú điểm nổi tiếng bởi nỗi buồn mang tên "chặt chém".
Ông Lý Văn Tiến - 61 tuổi, ngụ quận 1 - kể tối 30-10 vừa qua ông mua 1 ly trà tắc nhỏ, đến lúc tính tiền thì bị "hét" đến 50.000 đồng. "Mặc dù biết phố đi bộ giá sẽ cao hơn so với bên ngoài nhưng vượt đến 5 lần thì không thể chấp nhận" - ông Tiến bức xúc.
Theo quan sát, những xe hàng đẩy tay này khá cơ động, còn gánh hàng dù chất đầy nhưng khá gọn. Mỗi khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện thì người bán di chuyển "đồ nghề" rất nhanh.
Dựng xe như dựng hàng ràoẢnh: ÁI MY
Như chốn không người
Một hình ảnh chưa đẹp nữa là tình trạng khách đến phố đi bộ chơi rồi đậu xe tùy tiện ở lòng, lề đường khiến việc lưu thông của các phương tiện khác gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thời điểm ùn tắc.
Chị Nguyễn Hoài Thu (45 tuổi, nhà ở quận 4) lý giải tại phố đi bộ đa phần là các bãi giữ xe tư nhân và không có niêm yết giá. Vào dịp lễ, Tết hay sự kiện thì giá giữ xe "nhảy múa" đến chóng mặt. Tâm lý "bạ đâu dừng đó" đã được cộng hưởng bởi lý do này.
"Ngày thường đã 10.000 đồng/xe máy, ngày lễ tăng gấp đôi nên nhiều người xót ruột, tặc lưỡi dựng phương tiện bất cứ chỗ nào trống... Vì sao một nơi vui chơi lớn dành cho người dân của thành phố mà không có nổi một bãi giữ xe tiện lợi, phù hợp thì chỉ cơ quan chức năng trả lời được" - chị Thu nhận định.
Rác bị xả vô tội vạẢnh: MINH DIỄM
Ngoài ra, việc một số người dân mang thú cưng như chó, mèo đến dắt, thả tại phố đi bộ cũng góp phần gây nên tình trạng mất vệ sinh, trật tự nơi công cộng. Bên cạnh đó, có tình trạng một số người mặc trang phục mascot (giả thú bông) lôi kéo người dân chụp ảnh để lấy tiền. Một chị bạn đi cùng chúng tôi ấm ức kể đã bị kỳ kèo thêm tiền dù trước khi chụp đã được bảo đảm "đưa bao nhiêu tùy tâm".
Cần sắp xếp tốt hơn
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, phố đi bộ là không gian dành cho cộng đồng. Các phố đi bộ khi mở ra đều hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến thú vị cho người dân, du khách trong và ngoài nước.
Đây cũng là nơi giao lưu văn hóa các vùng miền, giới thiệu sản phẩm du lịch bản địa đặc sắc. Việc phát triển lâu dài của phố đi bộ cũng là câu chuyện về phát triển kinh tế, du lịch cũng như lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay, những chức năng này dường như chưa được phát huy đúng, kể cả chức năng thuần túy nhất đó là "đi bộ".
Cảnh quan ở phố đi bộ Nguyễn Huệ rộng rãi và thoáng đãng, tuy nhiên lại không nhiều hoạt động giải trí thu hút khách, thay vào đó là sự bát nháo của nhiều gánh hàng rong, xe hàng rong và rác thải... Những điều này đã dần làm xấu hình ảnh của con phố.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Phương cho rằng bên cạnh bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông thì việc đầu tư bổ sung các nhóm dịch vụ thương mại, tiện ích phục vụ người dân rất cần thiết. Cần quy hoạch, tổ chức, quản lý một cách khoa học hệ thống các dịch vụ như phòng tranh, nhà hàng, quán cà phê, nhà vệ sinh, các bãi đậu xe... để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và trải nghiệm dịch vụ của mọi người.
Thiếu niên biểu diễn thổi lửa tự phát, rất không an toànẢnh: ÁI MY
Bên cạnh đó là tổ chức nhiều hơn những hoạt động văn hóa, giới thiệu và tôn vinh vẻ đẹp của thành phố như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, trình diễn... "Có thể nói nếu phố đi bộ sắp xếp tốt, chắc chắn trở thành nơi phù hợp để những khách bộ hành chiêm nghiệm những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử mà TP HCM muốn truyền đạt, gửi gắm" - ông Hoàng Phương nhận định.
Chưa chuyển biến rõ
Ngày 11-7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP HCM, khi đại biểu đề cập việc quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết trong thời gian qua, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng trật tự đô thị tăng cường kiểm tra, tuần tra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Quận đang xây dựng đề án quản lý trung tâm, trong đó quận sẽ tạo không gian chuyên đề, tạo khu vực buôn bán đồ lưu niệm, quầy nước... để quản lý tốt hơn phố đi bộ.
Bên cạnh đó, quận cũng hình thành các bãi đậu xe trên các tuyến đường nhánh khu vực phố đi bộ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân khi đến tham quan, vui chơi tại đây.
Tới nay, những thay đổi chưa thật sự rõ ràng.
Tình trạng vi phạm danh mục cấm diễn ra hằng ngàyẢnh: ÁI MY
Rơi mất niềm vui
Được đưa vào sử dụng từ năm 2015 đến nay, phố đi bộ Nguyễn Huệ được biết đến là địa điểm tham quan nhộn nhịp bậc nhất ở TP HCM. Là nơi sinh hoạt công cộng, phố đi bộ Nguyễn Huệ có những quy định chung nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh. Tuy vậy, tình trạng bát nháo, lộn xộn vẫn diễn ra.
Đã có nhiều trường hợp người dân bị những xe hàng rong ở đây làm "mất niềm vui dạo phố", đặc biệt là du khách nước ngoài.
Vào năm 2022, Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan Amanda Obdam đã có chuyến thăm TP HCM và phố đi bộ Nguyễn Huệ là địa điểm cô lựa chọn khám phá về đêm. Tuy nhiên, khi ghé mua hộp cá viên chiên để thưởng thức, cô đã phải trả 80.000 đồng. Trước mức giá này, Amanda Obdam và những người bạn đi cùng đã bị bất ngờ.
Bình luận (0)