Đầu thập niên 1980, là cán bộ phiên dịch hướng dẫn thuộc Công ty Du lịch Phú Khánh, chúng tôi có dịp trao đổi cùng nhiều lãnh đạo tỉnh và ngành xây dựng, biết được chủ trương của tỉnh là đặc biệt hạn chế xây cất kiên cố, che chắn tầm nhìn ra biển (bên Đông đường Trần Phú, nay là công viên bờ biển Nha Trang). Không ai phủ nhận cảnh quan bãi biển và đường Trần Phú là viên ngọc vô giá của Nha Trang, tạo nên sức hút với du khách.
Thời ấy, các chuyên gia xây dựng cho biết để bảo đảm gió biển thổi sâu vào nội thành Nha Trang, các cao ốc sẽ hình thành bên Tây đường Trần Phú phải lùi vào vài chục mét, chừa chỗ sân đậu xe và nhà hàng ngoài trời, cách nhau hợp lý và chiều dài công trình phải theo hướng Đông Tây. Cao ốc phía trước phải thấp hơn phía sau mới phát huy tối đa cảnh quan biển. Toàn bộ bên Đông đường Trần Phú được quy hoạch làm công viên và một phần thích hợp làm nơi đậu xe.
Thế nhưng, không biết vì lẽ gì, quy hoạch theo hướng trên cứ bị phớt lờ. Cao ốc ngang dọc ồ ạt án ngữ như muốn nuốt chửng đường Trần Phú. Thư viện, viện bảo tàng… phải di dời. Mặt tiền đắc địa mọc lên căn hộ cao cấp, khách sạn, trung tâm thương mại. Công viên bờ biển cứ bị xâu xé bởi quán nhậu, khách sạn… che khuất biển. Đường Trần Phú lộng lẫy, duyên dáng ngày nào dần biến dạng, mang dáng dấp phố chợ nhộn nhạo.
Có thời, bãi biển Nha Trang vốn rất hẹp còn bị các khách sạn đua chen giăng dù rơm, giường nằm phơi nắng đến sát mép nước, cắm cọc giăng dây rào chắn, cờ hiệu độc chiếm ngang nhiên như lãnh địa, trông rất phản cảm. Bãi biển đã hẹp lại càng nghẹt thở.
Trước đây, vào dịp lễ, Tết, rất đông bà con lao động nghèo từ các vùng lân cận thường đổ về công viên bờ biển Nha Trang hóng mát, tắm, vui chơi. Hiện nay, diện tích công viên họ có thể thụ hưởng bị teo tóp bởi các nhà hàng mang những cái tên xa lạ, giá cả đắt đỏ.
Gần đây, hàng loạt dự án ngầm ở công viên bờ biển Nha Trang lại được tỉnh phê duyệt (Báo Người Lao Động ngày 24-1). Trong đó, dự án nhà hàng Bốn Mùa tiếng là xây dựng ngầm nhưng lại lù lù 2 khối kiến trúc nổi chiếm nửa khuôn viên được giao. Nhiều người không phản đối công trình ngầm nhưng khó chấp nhận kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” với ý đồ độc chiếm bãi biển, phá vỡ cảnh quan hài hòa. Mặt khác, tại khu vực trung tâm bãi biển, dịp cao điểm vốn đặc kín du khách, nay lại bố trí thêm các điểm dịch vụ sức chứa nhiều ngàn người thì không phải là quy hoạch hợp lý.
Cuối năm 2010, tạp chí uy tín quốc tế National Geographic đã liệt Nha Trang vào nhóm 10 bãi biển “tồi tệ nhất” trong số 99 bãi biển nổi tiếng thế giới do xây cất thiếu quy hoạch và tình trạng thương mại hóa quá nóng. Tuy nhiên, dường như lời cảnh báo nghiêm khắc đó đã bị bỏ ngoài tai.
Làm du lịch kiểu ăn xổi ở thì chắc chắn kết cục chẳng tốt đẹp. Một khi bãi biển Nha Trang trở nên xô bồ, ngột ngạt, du khách quay lưng, không phải các quan chức đã ung dung điền viên mà chính các doanh nghiệp lỡ chôn hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào đây lãnh hậu quả.
Bình luận (0)