Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-8, trong đó điều 9 quy định rõ những hành vi vi phạm của người đi bộ sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người đi bộ thản nhiên vi phạm luật vẫn không mấy được cải thiện.
Vi phạm tràn lan
Đường Điện Biên Phủ đoạn lên cầu vượt Hàng Xanh (TP HCM) xe cộ lưu thông tấp nập với tốc độ nhanh. Thế nhưng, dừng tại đây 1 giờ để quan sát, chúng tôi ghi nhận rất nhiều nhóm người thản nhiên vượt đầu dòng xe đang chạy băng băng qua đường. Những lúc xe quá đông, nhiều người đi bộ tụ lại thành nhóm rồi ào qua khiến giao thông hỗn loạn. Trong số đó có cả hành khách của nhiều xe bị trả khách ở giữa lòng đường nên buộc phải xách hành lý băng qua đường để vào được lề.
Khu vực này vừa đông dân cư lại có trường đại học nên nhu cầu qua lại hai bên đường rất lớn nhưng nơi đây không có cầu vượt đi bộ. Muốn qua đường, phải đi vòng lên ngã tư Hàng Xanh cách xa hơn 500 m, vì vậy nhiều người liều lĩnh băng qua trước đầu xe đang phóng nhanh.
Dọc Quốc lộ 1, do các nút giao thông cách xa cả cây số, nhiều người đi bộ chọn cách leo dải phân cách rồi thản nhiên cắt đầu xe container qua đường. Những đoạn như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Nông Lâm (quận Thủ Đức), tình trạng này càng phổ biến. Nhiều nơi, những sợi dây thép làm dải phân cách bị cắt đứt để tạo lối nhỏ đi lại. Tại nhiều ngã tư, dù có vạch sơn kẻ đường quy định vị trí dành cho người đi bộ khi các loại xe dừng đèn đỏ nhưng thay vì chấp hành quy định, nhiều người đi dưới lòng đường hoặc chạy cắt mặt dòng xe đang lưu thông.
Có gì đâu mà phải sợ (!)
Khi được hỏi về hành vi vi phạm Luật Giao thông, nhiều người đi bộ biện minh do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập: nút giao thông cách xa, thiếu cầu vượt đi bộ... Tuy nhiên, có mặt trước cổng Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM), chúng tôi ghi nhận dù cây cầu vượt mới được trùng tu, sửa chữa nhưng rất hiếm có người sử dụng. Thay vào đó, phần lớn người đi bộ lao xuống lòng đường, tay xách nách mang hành lý cồng kềnh cắt đầu dòng xe để băng qua đường. Những cây cầu vượt khác như cầu vượt Suối Tiên (quận Thủ Đức), cầu vượt trước cổng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi, quận 5), Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, quận 1)... cũng chủ yếu dành cho người bán hàng rong, ăn xin.
“Tôi thích băng qua đường hơn đi cầu vượt vì nhanh, đỡ tốn thời gian, đỡ mệt. Với lại cầu vượt này cũng khá cao, người già, người bệnh, bà bầu đủ sức đâu mà leo nên người ta dắt dìu, bồng bế nhau qua đường cho nhanh” - anh Trần Văn Đen (đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu) chia sẻ.
Còn hỏi một sinh viên vừa cắt đầu xe buýt trên xa lộ Hà Nội để băng qua đường chứ không chịu qua cầu vượt Suối Tiên về quy định xử phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, bạn này gãi đầu mỉm cười: “Leo cầu vượt mệt, mất thời gian nên tôi lựa chọn cách chạy qua đường cho nhanh. Hồi xưa tới giờ, tôi không quan tâm tìm hiểu mức phạt đối với người đi bộ vi phạm giao thông vì có thấy CSGT phạt bao giờ đâu. Với lại, cả tá người vi phạm, sao đủ lực lượng mà xử phạt. Đi riết rồi quen, có gì đâu mà phải sợ”.
Xử phạt người đi bộ vi phạm
Theo điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đi bộ đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 60.000 đồng. Nếu người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu bám vào phương tiện giao thông thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng…
Bình luận (0)