Trao quà Tết muộn cho cư dân những "xóm mồ côi"
Hôm nay (15-2), là một trong những ngày hiếm hoi mà cả xóm Mương Hai, Mương Bảy (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) không huy động hết sức người ra biển mưu sinh, mà hầu hết người già, trẻ em và phụ nữ tề tựu về đê biển để đón nhận niềm vui nho nhỏ.
60 phần quà Tết muộn (mỗi phần gồm 1 giỏ quà trị giá 300.000 đồng và 100.000 đồng tiền mặt) do Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động tại Cần Thơ vận động Công ty BĐS Cần Thơ (Thành viên Đất Xanh Miền Tây) và các mạnh thường quân đã được trao đến tay 60 hộ dân nghèo sống lang bạt trong rừng phòng hộ suốt mấy chục năm.
"Xấp xỉ 30 năm sống trong rừng, niềm vui lớn nhất của bà con chúng tôi là được nhận những phần quà của các nhà hảo tâm như thế này. Nhất là đám trẻ con, hằng ngày chỉ quanh quẫn trong xó rừng, có quà bánh gì đâu. Tuy những phần quà không giúp chúng tôi thay đổi cuộc sống nhưng làm cho những người nghèo như chúng tôi thấy ấm lòng, cảm giác được quan tâm, chia sẻ và có động lực để cố gắng vươn lên", ông Tô Văn Hiệp, một trong những cư dân đầu tiên của xóm Mương Bảy, trải lòng.
Những cư dân "xóm mồ côi" đang chờ nhận quà Tết muộn
Tại buổi trao quà, ai cũng phải chạnh lòng trước cảnh một cụ bà dắt theo 3 cháu nhỏ đi nhận quà mà cả 4 bà cháu hợp lại cũng không đủ sức để mang về 2 gói quà nặng chưa tới 10 kg. 2 chị em Thạch Nhàn (10 tuổi) và Thạch Hoàng (5 tuổi) loay hoay mãi mới nghĩ ra cách dùng quang quánh cùng hợp sức gánh quà nhưng chúng quá gầy yếu, không bước đi nổi, đành nhờ người khác mang hộ.
Bà Lý Thị Út (ở xóm Mương Hai), bà nội các cháu đã ngoài 80 tuổi phải trông dắt đứa cháu khác mới 2 tuổi. "Cả 3 đứa có cha có mẹ mà như mồ côi. Mẹ chúng nó bỏ nhà đi hơn một năm rồi, còn cha chúng nó thì đi theo tàu cá quanh năm suốt tháng để kiếm tiền gửi về nuôi con. Tôi giờ đâu còn sức để ra biển mò cua bắt ốc gì được, ở nhà chăm cháu và chờ con mang tiền về sống", bà Út cám cảnh.
Những phần quà được trao đến tay người nghèo ở xóm Mương Hai, Mương Bảy
Tôi hỏi Nhàn và Hoàng có đi học không, cả 2 chị em bẽn lẽn nói chúng chưa từng đi học ngày nào. Hỏi ra, ở mấy xóm này, hầu hết các cháu là chưa từng đi học hoặc nghỉ học giữa chừng. Nếu không có một phép màu, thì tương lai các cháu cũng được xác định luôn là phải nối tiếp cảnh mưu sinh của cha mẹ chúng bây giờ…
Tương lai của những đứa trẻ ở các "xóm mồ côi" trong rừng phòng hộ Bạc Liêu rất mờ mịt
Hai chị em Nhà và Hoàng hợp sức lại cũng không gánh nổi 2 phần quà chưa tới 10kg
Cũng tại đây, tôi gặp lại bà Nguyễn Thu Hồng (54 tuổi) ở xóm Mương Hai. Bà cho biết đứa con gái 14 tuổi bỏ nhà đi hơn năm nay hôm Tết có gọi điện về một lần. Nhưng gọi để báo cho bà biết là sẽ không về nhà nữa.
"Nó bảo tôi nuôi con nó, giờ nó đang ở Biên Hòa (Đồng Nai), nói đi chuyến này chắc không về nữa. Tôi khóc hết nước mắt nhưng biết phải làm sao. Con gái của nó giờ hơn 1 tuổi rồi, uống sữa nhiều lắm nhưng tôi có tiền đâu mà mua, đi bắt ốc ngày không đủ tiền mua sữa và mua gạo ăn. Giờ rơi vào cảnh này làm tôi nhớ lại 13 năm trước, khi chồng tôi bệnh chết, tôi cũng bồng con tới khu rừng này để mò cua bắt ốc kiếm tiền nuôi con giống như nuôi cháu bây giờ…", bà Hồng bỏ lửng câu nói, nhìn xa xăm về cánh rừng xa mờ nơi phía biển, nước mắt lưng tròng.
Bà Nguyễn Thu Hồng ứa nước mắt kể chuyện đứa con gái nhỏ bỏ nhà đi, để lại cháu ngoại hơn 1 tuổi cho bà nuôi trong cảnh thiếu trước hụt sau
Nói về hoàn cảnh của những cư dân những "xóm mồ côi" trong rừng phòng hộ Bạc Liêu có lẽ kể hoài cũng không hết. Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã trở lại đây và có bài viết: "Ứa nước mắt với những "xóm mồ côi" không màng đón Tết". Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc khắp nơi đã rất xót xa trước hoàn cảnh của những cư dân nghèo khó nơi đây nên đã bày tỏ mong muốn quyên góp ủng hộ cho bà con những phần quà Tết muộn.
Ông Ngô Quốc Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết hoàn cảnh của nhiều hộ dân ở Mương Hai, Mương Bảy thật sự rất khó khăn, chính quyền địa phương đã cố gắng bằng mọi cách để giúp dân an cư, thoát nghèo nhưng quá khó. "Phần lớn người dân ở các xóm này không biết chữ, không có nghề nghiệp, chỉ dựa vào sức lao động để mò cua bắt ốc mưu sinh. Hàng năm, xã cũng đã vận động và có chính sách giúp bà con bằng tiền và hiện vật. Chỉ có điều, rất khó giải quyết cái căn cơ. Nhất là chỗ an cư và tạo việc làm cho bà con. Đây quả thật là một bài toán rất nan giải", ông Vũ phân trần.
Các cá nhân và đơn vị đồng hành
Công ty BĐS Cần Thơ (Thành viên Đất Xanh Miền Tây): 10 triệu đồng; Công ty CP Ô tô Bảo Toàn Bạc Liêu: 5 triệu đồng; chị Ánh (TP HCM): 2 triệu đồng; chị Thu (Cần Thơ): 5,5 triệu đồng; anh Dũng (Cần Thơ): 1 triệu đồng; chị Chinh (Cần Thơ): 500 ngàn đồng.
Bình luận (0)