Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từng được coi là chủ đạo, “xương sống” của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các DNNN đang có nhiều vấn đề phức tạp cần được chấn chỉnh, giải quyết triệt để, như: tình trạng đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản của nhà nước... Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay tại các DNNN là công tác cán bộ, tham nhũng, lãng phí, thất thoát ngân sách.
Vấn đề đặt ra là chúng ta đã có quá nhiều vụ việc, nhiều bài học rút ra từ những sai phạm, hạn chế, yếu kém của DNNN nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có được những giải pháp thật sự hữu hiệu để khắc phục, ngăn chặn triệt để các hạn chế, tồn tại đã được nhận diện, chỉ rõ từ trước. Đặc biệt, tình trạng buông lỏng trong quản lý đối với các DNNN đã tạo kẽ hở cho các DNNN tự tung, tự tác theo kiểu muốn làm gì thì làm, tùy tiện sắp xếp, bố trí nhân sự, tự ý quyết định lương thưởng, đầu tư ngoài ngành tràn lan...
Do không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh nên các sai phạm trong các DNNN thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước, nhiều vụ việc sai phạm lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Nghiêm trọng hơn, vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì sai phạm khác lại diễn ra, thiệt hại lần sau thường lớn hơn các vụ việc trước đó. Thế nhưng, các vụ việc phần lớn chỉ xử lý phần ngọn, khắc phục hậu quả hoặc hứng chịu hậu quả chứ chưa có cách thức, biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn triệt để.
Theo tôi, các DNNN nắm lượng lớn nguồn lực của đất nước như vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực... nên cần có cơ chế quản lý thật sự chặt chẽ, hiệu quả để có thể tồn tại, phát triển bền vững phục vụ nhu cầu của đất nước. Theo đó, trước hết cần sớm ban hành cơ chế cụ thể, rõ ràng nhằm công khai, minh bạch mọi hoạt động của DNNN như tổng số vốn, thu - chi hằng năm, các hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, cần thực hiện triệt để nguyên tắc cạnh tranh trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự tại các DNNN, đặc biệt là vị trí quản trị, điều hành DN. Bởi chỉ có cạnh tranh mới lựa chọn được cán bộ thật sự có tài, có đức để điều hành DN phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, góp phần hạn chế được những yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ tại các DNNN dẫn đến thua lỗ do nặng nề về cơ cấu, bổ nhiệm khép kín như hiện nay.
Thiết nghĩ, đổi mới cơ chế để DNNN phát triển là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó siết chặt quản lý theo hướng minh bạch hóa mọi hoạt động là nhiệm vụ cần làm, cấp bách nhất. Có như vậy mới hạn chế được yếu kém, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra trong các DNNN.
Bình luận (0)