Quê tôi ở rạch Cầu Ván, làng Long Tuyền, nay là phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, năm 1965 khi chính quyền Mỹ ngụy chiếm đất làm sân bay, hơn 50 gia đình phải rời bỏ quê hương, trong đó có nhà tôi. Chỉ có những gia đình nằm ngoài khu vực sân bay mới giữ được nhà cửa ruộng vườn cho đến hôm nay.
Đường làng quê tôi, nay là phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ
Chợ Cầu Ván, nay là chợ An Thới, phường An Thới
Từ lúc rời bỏ rạch Cầu Ván, tôi ít có dịp trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Cách nay khá lâu, có một lần về quê chúc Tết bà con, tôi ghé qua nền nhà cũ, tình cờ phát hiện có một gốc mai già xơ xác làm tôi vô cùng xúc động vì đây là kỷ vật thân thương do chính tay tôi trồng hồi còn đi học.
Tết năm nay tuy công việc bề bộn nhưng tôi vẫn chọn ngày 29 âm lịch để về quê thăm lại mồ mả ông bà được cải táng trên phần đất quê ngoại. Ngồi trên chiếc xe máy, đến đâu tôi thấy cái gì cũng lạ, cũng mới. Hồi tôi còn nhỏ, nơi đây còn là đường đất, nhà cửa lưa thưa, đa phần là nhà lá, nhà tôn, cầu ván, cầu cây gập ghềnh, bây giờ chỗ nào cũng cầu bê tông, nhà tường, nhà ngói, đua nhau mọc chen chúc, bộ mặt làng quê đã hoàn toàn thay đổi, giống như một phép mầu.
Lúc ngang qua một ngôi chợ làng, cửa ngỏ vào nhà tôi, xưa kia là chợ chồm hổm, nay vô cùng náo nhiệt, chỗ nào cũng hàng quán sung túc. Đó đây đã mọc lên nhiều cửa tiệm tạp hóa, nhiều quán nước, quán ăn, kèm theo tiếng nhạc karaoke xập xình, làm mất đi vẻ yên ắng của một vùng quê thuở nào.
Vào những ngày giáp Tết, các nẻo đường đều tràn ngập mùi Tết, nào mùi chuối phơi khô, mùi dưa cải, củ kiệu, mùi bánh mứt, mùi hoa mai, hoa vạn thọ. Nhiều gia đình đã trưng bày những chậu cúc, chậu vạn thọ và mai vàng trước nhà, tạo nên một không khí Tết rộn ràng, tất bật.
Sau khi thăm một số gia đình bà con, tôi tìm về nền nhà cũ của ngoại, nơi tôi mở mắt chào đời. Nhìn lướt qua sau vườn, tôi rất đỗi ngạc nhiên vì những cây mận, cây xoài mà tôi thường trèo lên bẻ trái hồi nhỏ nay đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà tươi rói. Con sông trước nhà hồi nào mặt nước trong veo, các bạn thường ra đó tắm, bơi bằng chuối cây, có đứa bắt chuồn chuồn cho cắn rún để mau biết lội. Tất cả những ký ức đó lần lượt xuất hiện trong đầu tôi như một khúc phim quay chậm. Vậy mà nay con sông đó nước đã đổi màu, rác rến trôi lều bều.
Ngày nay, khách du lịch thường đi xuồng ngang qua phường Long Tuyền, quận Bình Thủy quê tôi
Nhớ lại hồi nhỏ, vào ngày nghỉ học tôi thường ra vườn tát mương bắt cá hoặc rủ nhau năm ba đứa bơi xuồng dọc theo mấy con rạch bẻ bần về cho mẹ nấu canh chua, vui thật là vui. Mới đó mà nay đã thành ảo mộng. Nhiều vị cao niên cho biết Bình Thủy xưa kia là xứ cá tôm, bà con chỉ cần xách cái chài đi một lát là bắt cả rổ. Bây giờ rất hiếm vì cá ngoài đồng, cá trong ao mương bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bươu vàng nên dần dần hiếm hoi. Nghe chú nói mà lòng tôi se sắt buồn.
Thời gian ít ỏi, tôi tranh thủ đi thăm một số gia đình để trải lòng mình và tìm lại cảm xúc thế nào là quê hương sau bao nhiêu năm xa cách. Đến đâu tôi cũng được mời cơm. Tuy miệt vườn dân dã nhưng nhà nào cũng phong lưu, nào thịt, cá, nem, bì, bánh trái, bia bọt… không thiếu món gì so với ở thị thành. Ngồi chung bàn tiệc, tôi lắng nghe bà con tự tình với nhau. Có người bảo: "Xóm mình tuy người cũ tứ tán, một số tha phương nay thành đạt trở về, cưới vợ gã chồng, sinh con. Đáng mừng là bà con tuy tứ xứ nhưng vẫn chung sống chan hòa, cùng nhau gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, ăn Tết vui vẻ, sum vầy, gặp nhau tay bắt mặt mừng".
Về nhà, tôi tâm sự với bà xã: "Quê hương là nơi lưu giữ ký ức, giúp chúng ta sống lại với những cảm xúc ngọt ngào thời niên thiếu. Vì vậy, cho dù trăm công ngàn việc, Tết đến mình cũng phải về thăm quê. Trên đời này, không có gì quý giá bằng tình thân và cũng không có kỷ niệm nào sâu sắc bằng nơi chôn nhau cắt rốn".
Bình luận (0)