Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng trăm hộ dân ở các xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh…, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã gửi đơn nhờ các cơ quan chức năng giúp đỡ vì họ gửi hàng tỉ đồng tại Quỹ Tín dụng Nhân dân (TDND) Hoằng Đồng nhưng không rút được. Do để xảy ra nhiều sai phạm, Quỹ TDND Hoằng Đồng đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ.
“Chôn” tiền tỉ
Quỹ TDND Hoằng Đồng được thành lập vào năm 2008. Tính đến nay, quỹ này có tổng vốn trên 66 tỉ đồng, trong đó vốn huy động trên 42 tỉ đồng. Sau khi gửi tiền vào, người dân muốn rút ra sử dụng thì chỉ nhận được sự hẹn lần hẹn lữa của ông Nguyễn Hữu Nha, Giám đốc Quỹ TDND Hoằng Đồng.
Bà Hán Thị Yến - ngụ thôn 5, xã Hoằng Đồng - bức xúc: “Gia đình tôi có mấy trăm triệu đồng đang chuẩn bị mua đất cho con thì ông Nha đến tận nhà vận động gửi tiền vào quỹ. Đến khi gia đình có việc cần rút tiền thì họ nói đang đi thu hồi nợ rồi cứ khất mãi cho đến nay. Hiện gia đình tôi còn 180 triệu đồng “chôn” ở quỹ này”.
Hàng trăm hộ dân khác cũng đang “ngồi trên lửa” vì không rút được tiền. Nhiều người đã gửi vào quỹ số tiền lớn, như bà Hoàng Ngọc Thúy (ngụ thôn 1, xã Hoằng Đồng): 152 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ đội 4, xã Hoằng Đồng): trên 232 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Hoằng Phúc): 200 triệu đồng, ông Lê Văn Hoa (ngụ xã Hoằng Thịnh): trên 100 triệu đồng…
Theo báo cáo mới nhất, Quỹ TDND Hoằng Đồng đã cho vay 62 tỉ đồng trên tổng vốn 66 tỉ đồng. Theo quy định của quỹ, các thành viên sẽ được ưu tiên vay vốn. Song, thực tế, ông Nguyễn Hữu Nha đã cho bên ngoài vay gần hết nguồn vốn của quỹ. Cụ thể, Công ty Hoàng Mạnh vay 16,1 tỉ đồng, Công ty Long Tú vay trên 19,2 tỉ đồng, Công ty Kim Phương vay 3,374 tỉ đồng, Công ty Quốc Đại vay 1,4 tỉ đồng… Đến nay, Công ty Hoàng Mạnh đang nợ tiền lãi trên 1,1 tỉ đồng, Công ty Long Tú nợ 5,2 tỉ đồng, Công ty Quốc Đại đã bị vỡ nợ…
Lập khống chứng từ, giả mạo hồ sơ
Theo phản ánh của người dân, rất nhiều hộ không hề vay tiền từ Quỹ TDND Hoằng Đồng nhưng vẫn có tên trong sổ sách vay nợ của quỹ. Cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn Thiện (ngụ thôn 5, xã Hoằng Đồng) suýt ngất xỉu khi công an đến hỏi về số tiền 130 triệu đồng ông vay của quỹ.
“Trước đây, tôi có vay 10 triệu đồng nhưng đã trả rất lâu rồi. Không hiểu sao tôi lại nằm trong danh sách vay nợ của Quỹ TDND Hoằng Đồng. Tôi đã yêu cầu công an làm rõ việc này” - ông Thiện lo lắng.
Không chỉ ông Thiện, tính riêng thôn 5, xã Hoằng Đồng đã có đến 20 hộ không vay nhưng vẫn có tên trong danh sách nợ tiền của quỹ này.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng những năm qua, Quỹ TDND Hoằng Đồng đã lập khống chứng từ, giả mạo hồ sơ để hợp thức hóa các khoản vay của doanh nghiệp, cho hộ gia đình vay với số tiền lớn. Đến nay, quỹ này đã mất khả năng thanh toán, 80% dư nợ là nợ xấu, 100% tiền gửi đã quá hạn. Người gửi tiền bức xúc, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn. Để xảy ra tình trạng này là do hội đồng quản trị và ban kiểm soát quỹ đã buông lỏng quản lý, có hành vi che giấu sai phạm nhằm đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước...
Theo ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Quỹ TDND Hoằng Đồng để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán là do sử dụng vốn không đúng mục đích, cho vay sai đối tượng.
Để “cứu” Quỹ TDND Hoằng Đồng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện văn bản báo cáo, đồng thời đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết cho quỹ vay vốn đặc biệt để chi trả tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Nghiên cứu thời điểm khởi tố để điều tra
Ông Nguyễn Đình Xứng cho biết đã yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm tại Quỹ TDND Hoằng Đồng; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ông Nguyễn Hữu Nha và các cá nhân liên quan. Công an tỉnh đang nghiên cứu, cân nhắc thời điểm khởi tố vụ việc để điều tra.
Bình luận (0)