xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rất cần “hiệp sĩ”

TÂN TIẾN - QUÝ LÂM - TỐ TRÂM

Xã hội dù văn minh đến đâu cũng vẫn cần có những “hiệp sĩ” để lấp vào khoảng trống luật pháp, bảo vệ những người yếu thế. “Hiệp sĩ” là cánh tay nối dài của lực lượng công an

img
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện: “Vai trò của “hiệp sĩ” là hoàn toàn tự nhiên,
được xã hội thừa nhận một cách đương nhiên”. Ảnh: TẤN THẠNH
Chiều 17-10, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tìm mô hình và thiết chế hoạt động cho hiệp sĩ đường phố”. Chương trình có sự tham gia của đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28) - Bộ Công an; thượng tá Phạm Đắc Trường, Phó trưởng Phòng PV28 Công an TPHCM; PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM); PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Bộ môn Đô thị học Trường ĐH KHXH & NV TPHCM; luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM; các thành viên CLB Phòng chống tội phạm (PCTP) phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một - Bình Dương; nhóm “hiệp sĩ” TPHCM cùng nhiều phóng viên báo, đài.

“Hiệp sĩ”, anh là ai?

Giới thiệu về sự hình thành CLB PCTP phường Phú Hòa, “hiệp sĩ” Trần Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ khu phố 1 (phường Phú Hòa), cho biết phường Phú Hòa là cửa ngõ của thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một), vào những năm 1995 - 1997, tình trạng cướp giật tài sản xảy ra thường xuyên, mỗi tuần có trên 20 vụ, khiến người dân địa phương cảm thấy bất an.
Đứng trước tình hình đó, ngày 7-11-1997, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã phối hợp với Công an thị xã Thủ Dầu Một thành lập đội phòng chống cướp giật ban ngày trên đường phố với lực lượng nòng cốt là những chiến sĩ trong trung đội dân quân tự vệ của thị xã.
Đến năm 2005, đội phòng chống cướp giật ban ngày trên đường phố được chuyển hóa thành mô hình CLB PCTP (theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương), hoạt động  dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công an phường, trong đó chủ nhiệm là chủ tịch UBND phường, phó chủ nhiệm là trưởng công an phường.

“Tổng số thành viên của CLB PCTP có 10 người, gồm nhiều thành phần, như: kinh doanh, sinh viên, nhân viên văn phòng, bảo vệ…, nhưng khi tham gia CLB, tất cả đều có chung tinh thần tự nguyện” - “hiệp sĩ” Trần Anh Tuấn nói. Suốt 15 năm hoạt động, CLB PCTP phường Phú Hòa đã phát hiện, triệt phá 1.002 vụ, bắt 2.009 tội phạm các loại; trong đó “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải  bắt 946 vụ, giao cho công an xử lý 1.617 tên.

Trước những thành tích nổi bật như trên, CLB PCTP phường Phú Hòa được các ngành ở tỉnh Bình Dương tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Riêng “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải còn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba…

Về phần mình, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến (TPHCM) cho biết từ năm 1996, anh đi bắt cướp một mình và đã bắt hàng trăm vụ cướp, giao công an xử lý hàng trăm đối tượng. Đến năm 2009, có nhiều thanh niên xin tham gia nhóm “hiệp sĩ”. Điều kiện để anh tiếp nhận họ vào nhóm là: không được xăm mình, có xác nhận của chính quyền địa phương về việc chấp hành tốt pháp luật, không tiền án, tiền sự. Nhóm chỉ bắt trộm, cướp có quả tang hoặc giang hồ tụ tập sắp chém nhau thì phối hợp với công an để ngăn chặn.
Vào thời điểm mới hình thành, nhóm hoạt động rất khó khăn khi phải vừa đi làm lo cho cuộc sống của chính mình vừa lo kiếm tiền đổ xăng để đi bắt cướp. Thời gian sau này, nhóm “hiệp sĩ” đã phối hợp chặt chẽ với công an quận, huyện, TP trong việc bắt tội phạm. Từ khi được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tặng tiền, “hiệp sĩ” Minh Tiến đã trích ra 250 triệu đồng để mua 3 xe và làm quỹ cho nhóm hoạt động.
img

“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (giữa) đang kể lại vụ “tai nạn” với đồng nghiệp Nguyễn Văn Minh Tiến (bìa phải) trong buổi tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH

Ranh giới mong manh

“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến nói “hiệp sĩ” cũng là một công dân, có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Có khác chăng, “hiệp sĩ” “lanh lẹ hơn, tự nguyện làm những việc mà nhiều người không dám làm”. 

Tuy nhiên, “tai nạn” mới đây mà các “hiệp sĩ” trong CLB PCTP phường Phú Hòa gặp phải cũng khiến các “hiệp sĩ” phải băn khoăn, thậm chí hoang mang. “Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, nguy hiểm lẫn cạm bẫy. Nhưng đáng sợ nhất là dư luận. Số đông dư luận đồng tình, ủng hộ việc làm của chúng tôi nhưng cũng có không ít người đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về động cơ của chúng tôi khi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Trong vụ việc xảy ra ở quận 12 - TPHCM, bản thân tôi cũng bị triệu tập đến 2 lần. Chúng tôi đang chờ kết luận của CQĐT. Chúng tôi không lợi dụng chức danh “hiệp sĩ” để làm bậy nhưng nếu vì thiếu hiểu biết hay quá nhiệt tình mà vi phạm pháp luật, chúng tôi sẵn sàng chịu hình phạt. Có ở tù, sau khi ra tù, chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia bắt tội phạm” - “hiệp sĩ” Trần Anh Tuấn nói.

Chia sẻ với các “hiệp sĩ”, đại tá Huỳnh Ngọc Phương nói: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào chúng ta cũng nên làm việc nghĩa nhưng tuyệt đối tuân thủ theo pháp luật, theo nguyên tắc có công thì thưởng, có tội thì phạt. Như tôi có thẻ ngành nhưng đâu thể cầm thẻ là có thể kiểm tra bất kỳ ai được? Các anh cũng vậy, lỡ theo dõi nhầm người ngay, xâm phạm quyền cá nhân của họ là không được” - đại tá Huỳnh Ngọc Phương nhấn mạnh. 

Duy trì theo mô hình nào?

Đi tìm một mô hình hợp lý cho các “hiệp sĩ”, thượng tá Phạm Đắc Trường cho rằng hiện nay, các “hiệp sĩ” vẫn có thể tham gia vào ban bảo vệ dân phố, công an viên… để đóng góp một cách hợp pháp, chính danh, có chế độ, chính sách thỏa đáng.

Cũng băn khoăn đi tìm chính danh cho “hiệp sĩ”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện phân tích công an là lực lượng duy nhất được xã hội và pháp luật trao quyền trấn áp những hành vi vi phạm pháp luật một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xã hội không hoàn hảo tới mức xảy ra việc gì luật pháp cũng có thể xử lý được ngay lập tức. Luật pháp bao giờ cũng có một khoảng trống.
Vì vậy, xã hội dù văn minh đến đâu cũng vẫn cần có những “hiệp sĩ” như anh Minh Tiến, Thanh Hải… để lấp vào khoảng trống luật pháp, bảo vệ những người yếu thế. Vai trò của “hiệp sĩ” là hoàn toàn tự nhiên, được xã hội thừa nhận một cách đương nhiên. Các anh có quyền tự do làm những gì pháp luật không cấm để cứu người trong tình trạng nguy khốn. Tuy nhiên, cần xây dựng một tổ chức bán chuyên nghiệp để các anh hoạt động được chính danh.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nảy sinh rất nhiều tội phạm, lực lượng công an không thể phủ kín 24/24 giờ  nên xã hội rất cần mô hình “hiệp sĩ”. Đó là cánh tay nối dài của công an. Họ cần được đặt tên, có cơ quan quản lý, được huấn luyện, có chế độ và quy chế hoạt động rõ ràng để tránh “vi phạm pháp luật một cách hồn nhiên”. “Tôi đề nghị cần đưa vấn đề này ra bàn bạc ở HĐND, Quốc hội để kiến nghị hình thành một thiết chế rõ ràng. Nếu cứ để các “hiệp sĩ” hoạt động chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện thì có thể họ sẽ gặp tai nạn trên chính tinh thần đó”- ông Hòa nói.

Khẳng định luôn ủng hộ các “hiệp sĩ”, đại tá Huỳnh Ngọc Phương cho rằng thời gian qua, nhiều “hiệp sĩ” được Nhà nước, ngành công an và các địa phương nhiều lần tuyên dương, trao tặng bằng khen, công nhận là gương điển hình tiên tiến. Hiện cả nước có hàng ngàn mô hình toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tùy đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội hay vị trí địa lý mà xuất hiện những mô hình đặc trưng. 

“Những anh em tham gia bắt trộm, cướp chịu nhiều vất vả, tổn thương, thậm chí thiệt mạng, nhưng đáng tiếc là ngoài sự động viên của Bộ Công an và hỗ trợ của người dân, chưa có một chính sách nào dành cho họ. Ở Bình Dương đã hình thành CLB, đi vào tổ chức do công an địa phương quản lý nhưng ở TPHCM vẫn còn tự phát. Tôi mong muốn nhóm của anh Nguyễn Văn Minh Tiến sẽ có một cơ sở pháp lý để hoạt động chính danh và được hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách của Nhà nước.
Theo tôi, trong tình hình hiện nay, lập thêm một lực lượng nào nữa sẽ không đủ ngân sách. Các anh nên tham gia vào ban bảo vệ dân phố vừa danh chính ngôn thuận vừa có lương, có phụ cấp, có sinh hoạt, chỉ đạo, quản lý của chính quyền. Mô hình CLB PCTP phường Phú Hòa là một mô hình tốt, cần nhân rộng. Về tên gọi cũng đã ổn, không cần phải thay đổi”- ông Phương nói.

Tại buổi tọa đàm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tặng phần quà trị giá 10 triệu đồng cho các “hiệp sĩ” để bày tỏ sự ngưỡng mộ, tin yêu.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khóc vì oan

Khi được hỏi về vụ việc 10 thành viên CLB PCTP phường Phú Hòa tham gia vào việc giải quyết tranh chấp chiếc ô tô để rồi bị cho rằng có hành vi giúp sức cưỡng đoạt tài sản, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đã bật khóc: “Báo chí đăng, đi đâu tôi cũng nghe người thân, bạn bè hỏi này nọ... Buồn lắm! Mình hoàn toàn không tư lợi, chỉ giúp dân thôi, vậy mà... Phải nói là tâm trạng tôi giờ rất hoang mang, lo lắng. Gia đình cũng khuyên tôi thôi làm “hiệp sĩ”. Nhưng buồn thì nói vậy chứ nửa đêm nghe dân gọi điện thoại nhờ cũng đi, tìm không được tài sản nhưng dân vui lòng và tin tưởng thì mình cũng ráng...”.
P.Dũng
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo