Vào thời điểm này, dù đã đến vụ lúa đông xuân nhưng ở Mậu Lạc, nhiều thửa ruộng cỏ mọc xanh rì. Ông Lê Quang Bùng, một lão nông ở nơi này, than thở: “Trước đây, năng suất hơn 3 tạ/sào nhưng 2 năm trở lại đây, mỗi lần gieo cấy xong thì lúa cứ chết dần, số còn lại thì năng suất giảm còn 1 tạ/sào. Giờ 2 sào ruộng của tôi phải bỏ hoang”. Nhiều hộ dân nơi đây cũng bỏ hoang ruộng đồng như ông Bùng.
Trả lời phản ánh của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giải thích nguyên nhân là do hiện tượng trầm tích của khu vực hạ lưu làm cho tầng đế đất bị phá vỡ dẫn đến tác động mạch nước ngầm khiến đất có bùn đen, nước bị nhiễm phèn nặng. Để khắc phục, ngành nông nghiệp thị xã Hương Trà hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa chịu phèn như OM 6922, OM4900 gieo cấy, kết hợp bón vôi theo 2 kỳ, bón phân cân đối và bổ sung phân bón lá khi cần thiết.
Ngoài ra, Trường ĐH Nông Lâm - Huế cũng nhiều lần thử nghiệm xử lý đất bằng bón vôi, tháo chua rửa mặn, sử dụng nguồn giống lúa của nhà trường và các phân bón khác nhưng không hiệu quả. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ban - ngành liên quan đánh giá tác động của việc tích nước để có giải pháp sản xuất phù hợp và bền vững.
Trước thực trạng trên, UBND phường Hương Hồ đề xuất cho những hộ dân ở cánh đồng Mậu Lạc thuê ruộng từ quỹ đất do phường quản lý với giá rẻ để canh tác.
Bình luận (0)