Ngày 28-1, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Tiền Giang, đã xác nhận thông tin này với phóng viên Báo Người Lao Động.
Nhà nhà hát nhạc sống
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang có hơn 1.000 dàn nhạc được người dân mua sắm nhằm mục đích cho người có nhu cầu thuê. Giá thuê dàn nhạc 2 giờ đầu 300.000 đồng, mỗi giờ tiếp theo 100.000 đồng. Khi nhận được yêu cầu, người cho thuê kéo cả xe thùng loa, ampli, màn hình tivi đến phục vụ. Tại TP Mỹ Tho, nhiều người còn sắm đến vài xe “nhạc sống kẹo kéo” để kinh doanh vì món giải trí này hiện khá phổ biến.
Ghi nhận của phóng viên tối 27-1 trên Quốc lộ 50 thuộc huyện Chợ Gạo, chỉ chưa đầy 500 m đã có tới 4 địa điểm hát nhạc sống, có điểm chỉ 3 người ngồi nhậu nhưng vẫn hát inh ỏi.
“Hễ thấy nhà hàng xóm có tiệc tùng, nhậu nhẹt kêu nhạc sống về chơi thì ngay lập tức sẽ có người nhà gần đó “mời” thêm một ban nhạc như của mấy người bán kẹo kéo đến để thi thố. Hậu quả là cả xóm lãnh đủ” - anh Nguyễn Văn Hương (huyện Chợ Gạo) than thở.
Cũng chịu hết thấu nhạc kẹo kéo, anh Trần Hoàng Minh (huyện Cai Lậy) kể: “Hầu như ngày nào trong xóm tôi cũng có người thuê nhạc sống về “tra tấn” hàng xóm. Có đám tiệc phải hát thì không nói gì, nhiều lúc họ bắt được con cá lóc to, tổ chức nướng nhậu mà cũng kêu xe nhạc sống đến hát um sùm, đến tận 2 giờ sáng. Vì không muốn sinh chuyện giữa hàng xóm với nhau nên tụi tôi đành trân mình chịu trận nhưng mà nhiều lúc chịu hết thấu, chỉ muốn ra phang mấy cây…”.
Sẽ giao cho UBND xã xử phạt
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết dự toán kinh phí để mua 200 máy đo tiếng ồn khoảng 1 tỉ đồng. Sau khi mua sẽ cấp cho 170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và các cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh quản lý, kiểm tra, xử phạt. Máy có chức năng đo các loại tiếng ồn phát ra từ các cửa hàng kinh doanh, nhạc gia đình... Máy có thể được sử dụng di động dưới hình thức ở đâu có phản ánh thì sẽ mang máy tới đo, kiểm tra âm thanh. Đối tượng chịu sự quản lý và bị xử phạt trực tiếp chính là chủ sở hữu những phương tiện gây ra tiếng ồn đó (riêng còi ô tô, còi hơi thuộc lĩnh vực giao thông sẽ do CSGT chịu trách nhiệm xử phạt). Dự kiến sẽ thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán.
“Sắp tới đây, sở sẽ ban hành bộ hồ sơ cấp giấy phép chung, theo mẫu quy định. Tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm” - ông Minh khẳng định.
Về việc xử phạt đối với chủ sở hữu của phương tiện gây ra tiếng ồn, theo một cán bộ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Tiền Giang, Bộ TN-MT đã có quy định. Mức phạt tùy vào mức độ ồn.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho biết việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn không dễ vì theo quy định, khi tiến hành kiểm tra cơ sở vi phạm phải thành lập đoàn kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải am hiểu, có chuyên môn kỹ thuật cao mới sử dụng được máy đo… Hơn nữa, nếu biết đoàn kiểm tra tới, người ta sẽ mở nhỏ lại, lúc đó không có chứng cứ để xử phạt.
“Nhiều nhà cán bộ khi tổ chức tiệc tùng cũng hát ì xèo chứ đâu phải chỉ có người dân mới hát. Vậy họ có bị xử lý hay không?” - một người dân nêu vấn đề.
Có thể bị phạt đến 160 triệu đồng
Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn như sau: Mức phạt thấp nhất đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn (dưới 5 dBA) từ 1 đến 5 triệu đồng; mức phạt cao nhất từ 140 đến 160 triệu đồng (trên 40 dBA) Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh karaoke có thể phải chịu mức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục, như đình chỉ hoạt động, buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định và đo đạc tiếng ồn...
Tiêu chuẩn cho phép về tiếng ồn được quy định tại Thông tư 57/2013/TT-BTNMT của Bộ TN-MT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
S.Đông
Bình luận (0)