Chiều 26-6, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã về Yên Bái công bố quyết định thanh tra đột xuất một số vấn đề liên quan đến dư luận về 1,3 ha đất rừng thành cụm biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái. Đây là quyết định được dư luận mong mỏi hơn nửa tháng qua.
"Hoan hô, rất hợp lòng dân. Chỉ xin Thanh tra làm mạnh chứ đừng chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc"- nhiều bạn đọc đã đề nghị như vậy.
Bạn đọc Thành Long gợi ý: "Đề nghị đoàn Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc kê khai minh bạch tài sản của ông Quý, những ai ký quyết định cho việc chuyển đổi đất rừng thành đất ở? Lãnh đạo tỉnh ở đâu, thanh tra tỉnh làm gì mà chỉ khi báo chí phanh phui thì mới biết? Bình thường sao các vị không quản lý, giám sát, kiểm tra cán bộ nhằm ngăn chặn kịp thời những vi phạm…? Nếu sau khi thanh tra, phát hiện sai phạm, đề nghị Thanh tra Chính phủ buộc người vi phạm phải phủ kín rừng đã bị phá, truy cứu trách nhiệm (nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố) và cách chức. Phải xử lý mạnh tay chứ đừng kiểm điểm, rút kinh nghiệm".
Nhiều bạn đọc "quá kinh ngạc" khi chỉ trong một ngày mà bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) được ông Nguyễn Yên Hiền, phó chủ tịch UBND TP Yên Bái, ký 6 quyết định cho chuyển đổi 1,3ha đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở để rồi sau đó, khu đất của gia đình bà Huệ đã hình thành một cụm công trình gồm biệt thự và hồ nước.
"Người dân xây cái nhà cấp 4 bé xíu xiu, đất đá mới chở đến, chưa kịp xây đã có cán bộ đến hoạnh họe vậy mà xây cả cụm biệt thự trên lô đất 1,3 ha phải đợi báo chí lên tiếng, tỉnh mới khẩn trương làm rõ. Người dân làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải khổ sở lên xuống cầu cạnh cán bộ tài nguyên- môi trường không biết bao nhiêu lần, bị hành đủ kiểu giấy tờ, hồ sơ, còn bà Huệ chỉ mất có… 1 ngày và chắc chắn là đúng quy trình. Được ưu ái đến thế là cùng"- bạn đọc Huỳnh Nhất Minh nhận xét.
"Sao bây giờ cán bộ công chức giàu thế, lương ba cọc ba đồng nhưng toàn xây siêu biệt thự. Họ trúng số? Được thừa kế tài sản từ ông bà, cha mẹ? Hay làm kinh tế quá giỏi? Phải làm rõ nguồn tài sản kếch xù của họ từ đâu mà có và xử lý công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Người dân giảm lòng tin vì thực tế cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không hiệu quả, mức độ xử lý chưa đúng với tính chất hành vi. Để lấy lại lòng tin của người dân, cần phải kiên quyết xử lý, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tất cả những ai cố tình vi phạm dù ở cương vị nào thì cuối cùng cũng phải chịu án kỷ luật của Đảng, Nhà nước, bị xử lý theo pháp luật. Có như vậy thì chống tham nhũng mới hiệu quả"- bạn đọc Trần Hải Lam nêu ý kiến.
Bình luận (0)