Ngày 16-9, ngay khi cơn bão còn chưa tan, UBND huyện Hoằng Hóa đã có báo cáo con số thiệt hại là 897 tỉ đồng. Ngày 18-9, tổng số tiền lên tới hơn 937 tỉ đồng. Ngày 21-9, con số thiệt hại tụt xuống còn 640 tỉ đồng, giảm 297 tỉ đồng so với báo cáo ban đầu!
Gần 300 tỉ đồng là con số không nhỏ, cho dù chỉ là ước tính ban đầu cũng không thể bất nhất, chênh lệch đến như vậy. Hoằng Hóa là một huyện miền biển, thiệt hại liên quan đến các công trình hạ tầng ven biển, nuôi trồng thủy sản của người dân… là có thật nhưng mức độ như thế nào lại là chuyện khác.
Vì vậy, lời giải thích của ông Nguyễn Đình Tuy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, rằng "báo cáo sai hay đúng thì cũng có được cái gì đâu, có được thì được cho dân thôi" cũng không thể đánh tan sự nghi ngờ của dư luận.
Thứ nhất, theo báo chí, nhiều chủ đồng tôm khẳng định đến nay chưa có cán bộ thôn hay xã đến khảo sát, thống kê thiệt hại của người dân. Vậy số liệu thiệt hại ở đâu để báo cáo? Lãnh đạo xã biện minh không thể đi hết được tất cả các hộ bị thiệt hại mà thống kê bằng cách… nghe ngóng, tức cán bộ "ngồi nhà" báo cáo rồi kê luôn số liệu thiệt hại. Như vậy chắc chắn là sai rồi. Cho dù "báo cáo sai hay đúng, huyện không được gì" thật thì người có trách nhiệm xử lý báo cáo sẽ rất mệt mỏi, lệch hướng khi phân bổ cứu trợ bởi còn có nhiều nơi thật sự thiệt hại nhiều hơn Hoằng Hóa.
Thứ hai, ông Tuy phát biểu vậy là không ổn. Báo cáo này dân có biết để kiểm tra là đúng hay sai đâu mà ông đã vội khẳng định có lợi cho dân? Lợi là lợi như thế nào? Người ta có quyền nghi ngờ rằng có lợi cho dân hay là cho ai khác, bởi ai có thể kiểm tra được tính trung thực của những con số này? Vậy nên, con số thiệt hại tụt xuống còn 640 tỉ đồng cũng rất cần được kiểm tra, xác minh thật kỹ, công khai, minh bạch cho người dân địa phương và phương tiện thông tin đại chúng.
Bình luận (0)