Tôi đến Lũng Pô (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trong cuộc hành trình đậm sắc màu chia tay. Đó là chuyến đi trước khi người bạn thân rời Hà Nội đến một vùng đất mới. Chúng tôi lên đường với tâm trạng lưu giữ những kỷ niệm về một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mà các phượt thủ rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc, sẽ không bao giờ bỏ qua.
Cột cờ Lũng Pô - nơi vùng đất địa đầu biên cương. Ảnh: CTV
Chúng tôi chạy xe dọc biên giới Việt – Trung, bắt đầu từ Hà Khẩu, qua những dãy núi mờ sương, vòng lên A Mú Sung, nơi dòng suối Lũng Pô hòa với dòng sông Hồng rồi chảy vào đất Việt. Hành trình đi về thượng nguồn sông Hồng dài khoảng 70 km đôi khi khiến tôi chênh vênh, không chỉ vì tâm trạng mà cả nỗi lo lắng khi xe lao đi bên những vách đá; phía đối diện là những thung lũng trải dài mênh mông, nhiều thửa ruộng nằm gối nhau xanh mướt.
Sau vài giờ đi xe xóc nảy người, Lũng Pô đã hiện ra trước mắt với vẻ bình yên quá đỗi. Dòng suối Lũng Pô (tiếng địa phương gọi là Long Pò, được dịch nghĩa là Rồng Cha) uốn dài từ dải Hoàng Liên hiền hòa đưa nước hòa vào dòng sông Hồng. Thật đặc biệt, ở điểm giao này, nước chia làm hai màu. Màu xanh bên phía Việt Nam là của con suối Lũng Pô, dòng nước thẳng màu đỏ là của sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống. Trên lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ suối Lũng Pô, sông Hồng chảy qua 9 tỉnh, thành: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi hòa ra biển ở cửa sông Ba Lạt, kết thúc hành trình hơn 500 km trên đất Việt.
Ở ngã ba sông, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ấy, cột mốc biên giới 92 được dựng lên, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Cột mốc biên giới 92 – điểm thiêng liêng đánh dấu nơi con sông Hồng chảyvào đất Việt. Ảnh Hà Đặng
Cha tôi là người của quân đội, ông đã đi qua ba cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới. Khi còn khỏe, ông vẫn nói chuyện với tôi về lịch sử, về những năm tháng ông đã đi qua. Tôi đã ngồi với ông rất nhiều, cùng lắng nghe những ca từ da diết như khứa vào tim mỗi cựu binh qua sóng phát thanh. "Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt… Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lành không, hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy...". Dù lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ nhưng ca khúc "Gửi em ở cuối sông Hồng" vẫn in đậm trong trí nhớ, vẫn đi theo tôi suốt mấy chục năm qua.
Tôi tin, những người con Việt thế hệ 7x, 8x, 9x, dù chưa một lần đặt chân đến thượng ngàn Lũng Pô nhưng khi nghe ca khúc này vẫn thấy xúc động. Họ sẽ đắm chìm trong cảm xúc, như đã từng đi qua cuộc chiến ác liệt để bảo vệ tuyến biên cương của đất nước. Họ sẽ nhớ, vào sáng sớm 17-2-1979, hàng trăm quân lính phía bên kia biên giới tràn qua con suối Lũng Pô, tiến vào Việt Nam. Cản bước chân của kẻ xâm lăng, toàn bộ 25 chiến sĩ của đồn biên phòng A Mú Sung đã ngã xuống sau hai giờ cầm cự bảo vệ biên ải. Con suối Lũng Pô loang đỏ máu, hòa vào sông Hồng ngay tại ngã ba nơi nó chảy vào đất Việt.
Rất nhiều du khách và phượt thủ chọn dừng chân ở cột mốc 92, không chỉ để chụp ảnh mà hòa mình vào dòng sông nơi địa đầu Tổ quốc. Trước chúng tôi, một nhóm phượt thủ bất chấp cái lạnh vùng cao, bỏ quần áo xuống tắm, hồn nhiên như những đứa trẻ. Tôi đứng ở ngã ba sông, ngắm mặt nước lấp lánh dưới ánh nắng, nhặt những viên đá sỏi và tràn ngập cảm giác của một đứa con đi xa lâu ngày được trở về đất mẹ. Cảm giác ấy, một lần nữa dâng lên, khi tôi leo hết 125 bậc thang, lên tới đỉnh cột cờ Lũng Pô. Giữa khoảng trời bao la, lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió, phóng tầm mắt ra xa để nhìn ngắm toàn cảnh con sông ở phía đầu nguồn đang dần trôi về hạ lưu - một cảm giác rất khó tả thành lời.
Cột cờ Lũng Pô vừa được khánh thành ngày 16-12-2017. Có người so sánh rằng đứng ở cột cờ Lũng Pô không bề thế bằng cột cờ Lũng Cú nhưng với tôi, mỗi một địa danh, một điểm đến đều có ý nghĩa riêng. Cột mốc 92 này cũng vậy. Tôi thấy thiêng liêng khi đứng ở vị trí địa đầu này, nơi khởi nguồn để hình thành cả một nền văn minh – văn minh sông Hồng. Nơi luôn ngập tràn tình yêu, cảm xúc mà cha tôi đã để lại…
Bình luận (0)