Thôn Chấn Sơn có gần 100 hộ dân sinh sống hơn 20 năm nay, đa phần mưu sinh bằng nghề nông. Trước thôn, sông Côn chảy qua tạo thành những bãi bồi phì nhiêu cho người dân sản xuất hoa màu. Tuy nhiên, phía sau thôn là khu vực núi Gò Chùa, có vách dựng đứng rất nguy hiểm.
Năm 2009, chân núi Gò Chùa bắt đầu sạt lở. Ông Trần Văn Lang (ngụ tổ 3, thôn Chấn Sơn) cho biết chỉ trong 2 năm gần đây, gần 10 hộ dân có nhà nằm sát chân núi (tổ 3) phải chứng kiến đến 4 vụ sạt lở mỗi khi có mưa lớn. Mỗi lần sạt lở là đất đá kèm theo bùn đất tràn vào nhà dân làm hư hại tài sản. Người dân đã kêu cứu đến chính quyền, mong muốn di dời đến nơi khác nhưng chưa được giải quyết. Theo người dân địa phương, chính tình trạng đốt, phá rừng làm rẫy nhiều năm qua đã khiến bề mặt núi Gò Chùa trở nên “trọc lóc” và bị xói lở mỗi khi có mưa lớn.
“Chúng tôi lúc nào cũng sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, nhất là khi xảy ra sạt lở nhưng chính quyền xã chỉ đến động viên rồi về. Nhiều lúc mưa lớn, cả gia đình phải dọn đồ, bỏ nhà chạy qua thôn khác tìm chỗ ở tạm vì sợ núi lở. Mới đây, UBND xã Đại Hưng yêu cầu chúng tôi di dời lên tận khu vực gần mỏ than An Điềm, cách nhà hơn 13 km. Nếu lên đó, đất đai đâu chúng tôi canh tác, chưa kể phải hứng chịu ô nhiễm từ nguồn nước của mỏ than và trại giam An Điềm? Vì vậy mà chúng tôi không đồng ý” - bà Trần Thị Liên (ngụ tổ 3) nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng, Chủ tịch HĐND xã Đại Hưng, khẳng định: “Lãnh đạo xã đã tiến hành họp dân và rất nhiều lần yêu cầu bà con trong vùng sạt lở di dời lên gần khu vực An Điềm để tái định cư nhưng họ không đồng ý vì ngại đi xa. Người dân mong muốn được ở khu tái định cư Gò Hiêu nhưng đây là khu vực thuộc xã Đại Lãnh nên chúng tôi không thể đáp ứng”.
Theo ông Hùng, núi Gò Chùa là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Vì thế, chính quyền xã sẽ tiếp tục kiên trì vận động các hộ dân di dời đến chỗ ở mới càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)