Đến chiều 6-4, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm nạn nhân cuối trong vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 trên vùng biển giáp ranh Hải Phòng - Quảng Ninh.
Nỗ lực tìm người mất tích
Cùng ngày, trong công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn; điều tra nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, bảo đảm kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay... là một trong những yêu cầu quan trọng trong công điện.
Một phần thân máy bay được tìm thấy sau sự cốẢnh: TRỌNG ĐỨC
Trước đó, lúc 16 giờ 56 phút ngày 5-4, máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 chở 5 người gồm phi công là đại tá Chu Quang Minh cùng 4 hành khách quê Đà Nẵng thực hiện bay du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long. Đến 17 giờ 6 phút, trực thăng mất liên lạc với đài chỉ huy khi đang ở khu vực biển thuộc địa phận xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Hơn 600 người thuộc các lực lượng Biên phòng Quảng Ninh, Biên phòng Hải Phòng, Cảnh sát biển, Quân chủng Hải Quân, Quân khu 3... được huy động tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. Đến gần trưa 6-4, lần lượt 4 thi thể, trong đó có phi công Chu Quang Minh được đưa lên bờ. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái tìm nạn nhân còn lại từ trên cao, rà soát các đỉnh núi và mặt nước trên phạm vi rộng.
Cơ quan chức năng cũng tìm thấy hộp đen cùng máy bay, đưa vào đất liền phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Trong diễn biến liên quan, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đơn vị đã nhận được thư đề nghị của nhà sản xuất Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada - cơ quan thực hiện điều tra về tai nạn tàu bay - đề nghị hỗ trợ và cử đại diện tham gia điều tra về tai nạn tàu bay theo Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế.
Người nhà của nạn nhân vẫn chưa tin nổi sự việc vừa xảy ra Ảnh: HẢI ĐỊNH
Sự cố hy hữu
Bên cạnh việc chia sẻ với những tổn thất nhiều mặt sau sự việc, nhiều người bày tỏ mong muốn nguyên nhân nhanh chóng được làm rõ; xem xét lại về vấn đề an toàn bay, các chính sách bảo đảm quyền lợi khách hàng cũng như tính khả thi trong phát triển dịch vụ bay ngắm cảnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho hay bay trực thăng là một trong những dịch vụ du lịch dành riêng cho phân khúc khách có khả năng chi trả cao, đi theo nhóm nhỏ gia đình hoặc bạn bè. Nhu cầu của phân khúc này tăng dần theo thời gian qua, không chỉ bay trong nước mà khách có nhu cầu bay quốc tế. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch được triển khai đều có bảo hiểm với các mức khác nhau. Sản phẩm du lịch càng cao cấp thì mức bảo hiểm càng lớn.
Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, nhận định bay trực thăng là dịch vụ tiềm năng ở Việt Nam khi cung cấp thêm trải nghiệm cho du khách. Dù vậy, cần tăng cường bảo đảm an toàn cho họ. "Đây là phân khúc từ tầm trung trở lên với chi phí khoảng vài triệu đồng cho một lượt ngắm cảnh từ 30 phút đến 60 phút. Với bảo hiểm, khi liên quan đến hàng không, bay dịch vụ thường sẽ có thêm sản phẩm bảo hiểm của công ty bay bên cạnh bảo hiểm du lịch của công ty tổ chức tour" - ông Trần Quang Duy nói.
Đối với tai nạn rơi trực thăng chở khách khi bay qua Quảng Ninh, Hải Phòng, nhiều chuyên gia, lãnh đạo công ty du lịch nhận định đây là sự cố đáng tiếc. Dù vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phân khúc sản phẩm này vì nhu cầu là luôn có và sự cố là hy hữu.
"Hiện du lịch Việt Nam mới chỉ khai thác bay dịch vụ trực thăng ở vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, Vũng Tàu, TP HCM, Đà Nẵng…, trong khi ở các nước, dịch vụ này rất phát triển và du khách sẵn sàng chấp nhận chi phí cao. Để bảo đảm an toàn cho du khách, thiết bị máy bay được kiểm định an toàn và khuyến cáo khách tuân thủ quy định an toàn, đồng thời bảo hiểm cho khách cũng tương ứng với giá tour" - ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, nhận định.
Chưa ấn định việc bồi thường
Công ty Trực thăng Miền Bắc, đơn vị đang cung cấp dịch vụ bay trực thăng du lịch trên vịnh Hạ Long, được giới thiệu trên website là doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH Corporation, Binh đoàn 18 - Bộ Quốc phòng). Trực thăng Bell 505 được Công ty Trực thăng Miền Bắc nhập khẩu từ Mỹ. Đây là dòng trực thăng hạng nhẹ 5 chỗ ngồi gồm 1 phi công và 4 hành khách, được nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 và chuyên được dùng để bay du lịch, ngắm cảnh, độ cao bay khoảng 150 m.
Một cán bộ của Công ty Trực thăng Miền Bắc cho biết đơn vị đang phối hợp các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, lo hậu sự cho các nạn nhân và tìm kiếm nạn nhân cuối cùng.
"Liên quan đến thông tin các hành khách có thể được bồi thường lên đến khoảng 30 triệu USD, hiện chưa có thông tin chính thức về việc bồi thường, phải chờ làm việc việc với cơ quan bảo hiểm" - vị này cho biết.
Nhiều tỉnh, thành có dịch vụ bay ngắm cảnh
Theo tìm hiểu, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hoạt động bay ngắm cảnh bãi biển có từ mấy năm nay. Dịch vụ máy bay thu hút nhiều người tham gia và đều đạt độ an toàn cao. Trực thăng sử dụng hoạt động bay ngắm cảnh Vũng Tàu là Cabri G2 do Pháp sản xuất, mỗi tour bay chỉ chở 1 khách. Hành khách khi đăng ký phải bảo đảm giấy tờ đầy đủ, tuân thủ theo quy tắc an toàn bay.
Anh Trần Ngọc Trung (40 tuổi, quê Thái Bình) kể trước đây anh và nhóm bạn đi du lịch ngắm biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, anh liên hệ đặt chuyến bay trực thăng 15 phút với giá 3,5 triệu đồng để trải nghiệm, ngắm cảnh bãi trước và bãi sau Vũng Tàu. Trước khi lên máy bay trực thăng, anh Trung được nhân viên kiểm tra sức khỏe và tư vấn rất kỹ. "Tôi thấy chuyến bay rất an toàn và thích thú" - anh Trung nói.
Tại Đà Nẵng, sau khi dừng một thời gian vì dịch COVID-19, từ ngày 30-4-2022, tour trực thăng "ngắm TP Đà Nẵng từ trên cao" được mở lại để phục vụ du khách. Tour này do Công ty Trực thăng Miền Bắc tổ chức. Hành khách sẽ lên trực thăng từ sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) để bắt đầu hành trình. Mỗi chuyến chở tối đa 4 khách, kéo dài khoảng 12 phút với giá vé từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/khách.
Dịch vụ bay chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Trực thăng sẽ đưa họ tham quan Non nước - Ngũ Hành Sơn, các cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, bán đảo Sơn Trà.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết bởi vì nhiều lý do, tour trực thăng đã được tạm dừng phục vụ từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua để đánh giá lại hiệu quả của dịch vụ. Còn sau vụ tai nạn tại vịnh Hạ Long vừa rồi rõ ràng ảnh hưởng tâm lý du khách. Do vậy, rất cần rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động trước khi có quyết định chính thức về việc khai thác lại.
Còn ở TP HCM, tháng 4-2022, ngành du lịch từng phối hợp Bệnh viện Quân y 175 và Công ty Trực thăng Miền Nam tổ chức chuyến bay khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch "Ngắm TP HCM từ trên cao" bằng máy bay trực thăng. Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ sân đỗ trực thăng và an toàn y tế cho hành khách trên các chuyến bay. Công ty Trực thăng Miền Nam chịu trách nhiệm về lịch trình bay, an toàn bay và các quy định bay theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Hai loại máy bay được đưa vào sử dụng trong chương trình là AW-189 (chở tối đa 16 khách) và EC-155B1 (tối đa 12 khách). Tour được thiết kế 40 phút đưa khách ngắm các điểm Bến Nhà Rồng - cầu Thủ Thiêm - tòa tháp Landmark 81 - cầu Phú Mỹ... giá từ 4 - 5 triệu đồng/khách. Ngoài ra, đơn vị tổ chức cũng tính đến việc mở tour với chặng bay dài hơn (khoảng 60 phút) với lộ trình bay kết nối TP HCM và Long An theo tuyến... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm này đã tạm ngưng khai thác.
Sỹ Hưng - Thái Phương - Hải Định
Bình luận (0)