Tôi là sinh viên một trường đại học đang tham gia gây quỹ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa có một cái Tết no đủ bằng cách đến các chợ, công ty đặt thùng tiền quyên góp. Thế nhưng, khi thấy chúng tôi, người thì xua tay, lắc đầu; người cho tiền mà trong lòng bán tín bán nghi; cũng không ít người chỉ thẳng mặt, bảo “đồ lừa đảo”.
Những lúc như vậy, trong lòng chúng tôi đau xót lắm. Lẽ nào việc làm xuất phát từ sự nhiệt tình, đầy sẻ chia, không tính toán lại gây nên sự nghi ngờ, nỗi khó chịu cho mọi người? Nhưng rồi suy nghĩ lại, thấy việc gì cũng có nguyên nhân. Người ta bị lừa quá nhiều rồi: Từ kẻ mang thân mình tàn tật, lê la ăn xin ngoài đường đến những người mặc áo cà sa giả và cả những thanh niên dùng mác sinh viên đi làm từ thiện…
Trao quà Tết cho người nghèo. Ảnh DUY CƯỜNG
Mấy đồng bạc lẻ không đáng là bao, người ta thừa sức cho mà không hề tính toán, do dự nhưng khi lòng tin bị lợi dụng quá nhiều, họ phải cảnh giác, đề phòng. Như có lần, em họ tôi ở quê kể: “Em thấy một ông cụt chân đẩy chiếc xe đạp chở thùng to lên dốc. Em tới đẩy phụ, ông ta xua tay nói: “Tôi không có tiền trả đâu”. Em chưng hửng khi lòng tốt của mình lại bị nghi ngờ như vậy. Đó cũng là một trong những lý do vì sao người tốt ngày càng hiếm hoi; vì sao đi đường thấy chuyện bất bình, nhiều người đã làm lơ để tránh bị liên lụy, mất thời gian”.
Hàng hóa, thực phẩm giả khiến sức khỏe người tiêu dùng bị tổn hại, còn lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi sẽ khiến xã hội mất đi lòng nhân ái, vị tha, sự sẻ chia. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu tình thương? Xã hội sẽ thế nào khi mỗi ngày ra đường, người ta nhìn thấy những mảnh đời khốn khổ, những giọt nước mắt đau thương của đồng bào mình nhưng lại ngoảnh mặt đi bởi sự hoài nghi lớn hơn tình người?
Bình luận (0)