Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP HCM về việc tu sửa mái ngói nhà thờ Đức Bà.
Năm 2017 bắt đầu trùng tu
Theo đó, hiện phần mái ngói của nhà thờ Đức Bà dài 91 m, rộng 35 m và cao 53,3 m đã rệu rã, nhiều chỗ phải dùng tôn, nhựa cứng che chắn chống dột. Phương án trùng tu là thay thế toàn bộ mái ngói nhưng vẫn bảo tồn được nguyên trạng. Ngoài ra, làm mới bờ mái, bờ nóc và bờ chảy. Dự kiến thời gian trùng tu khoảng 3 năm, bắt đầu từ năm 2017.
Linh mục Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện Tổng Giáo phận TP HCM, Trưởng Ban Trùng tu - cho biết ý định trùng tu nhà thờ Đức Bà đã có cách đây hơn 10 năm nhưng do ưu tiên các công trình cấp thiết khác nên chưa thực hiện. Khoảng 3 năm gần đây, nhà thờ Đức Bà xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi mưa xuống, nhiều nơi bị dột, nếu không làm ngay sẽ rất nguy hại cho công trình.
Theo Linh mục Hồ Văn Xuân, năm 2015, Ban Trùng tu đã sang Pháp lựa chọn nguyên liệu như gạch, ngói để bảo đảm quá trình trùng tù hài hòa, lưu giữ được kết cấu, hình dạng bên ngoài như nguyên bản. “Đây là công trình có tuổi thọ hơn 136 năm, hằng ngày thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan nên quá trình trùng tu được sự quan tâm rất lớn của nhiều người. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn một số ít nguyên liệu ngói tương đồng với ngói nhà thờ Đức Bà nhưng đã cũ, không xác định sẽ sử dụng được bao lâu. Vì vậy, phải qua Pháp đặt hàng những đơn vị chuyên sản xuất, dù kinh phí cao. Khó khăn nhất chính là tìm được chuyên gia giỏi, nguyên liệu giống như ban đầu” - Linh mục Hồ Văn Xuân thông tin thêm.
Vận động từ nguồn xã hội hóa
Theo kế hoạch mà Tổng Giáo phận TP HCM đưa ra, việc trùng tu nhà thờ Đức Bà sẽ thực hiện theo nhiều giai đoạn khác nhau. Đây là kế hoạch dài hạn, làm trong nhiều năm, có sự tham gia của toàn thể Tổng Giáo phận.
Bước đầu, nhà thờ sẽ được trùng tu phần mái ngói với số lượng dự kiến 50.000 viên ngói. Trước khi tháo dỡ phần mái, sẽ tiến hành xây dựng một dàn giáo khổng lồ, bao gồm phần mái che mưa, che nắng ở trên, trụ sẽ lấn ra mặt đường. Khi thi công sẽ có một hệ thống sắt, lưới bao trùm như một áo khoác che chắn lại toàn bộ nhà thờ, trừ phần tháp chuông, người dân và du khách sẽ không nhìn thấy nhà thờ Đức Bà nhưng vẫn vào nhà thờ sinh hoạt bình thường.
Sau khi trùng tu phần mái, dự kiến sẽ tiếp tục thay thế các mảng kính, phần tường, gạch bị hỏng... Để khắc phục tình trạng viết, vẽ lên gạch bên ngoài nhà thờ, Ban Trùng tu dự kiến sau khi hoàn thành toàn bộ kết cấu vững chắc bên trong nhà thờ sẽ đề xuất UBND TP xây dựng một hàng rào bao quanh nhằm ngăn ngừa những người thiếu ý thức đến gần viết, vẽ, phá hỏng vách tường. “Kết cấu hàng rào mang tính gần gũi, mỹ thuật cao chứ không khô cứng” - Linh mục Hồ Văn Xuân nói.
Về kinh phí trùng tu, Linh mục Hồ Văn Xuân cho biết chuyên gia xây dựng được thuê từ bên Pháp và phải vận chuyển khối lượng lớn gạch, ngói từ châu Âu về nên sẽ tốn một khoản tiền rất lớn. Số tiền này sẽ do Tổng Giám mục TP HCM vận động từ nguồn xã hội hóa.
Phải trùng tu ngay
Kiến trúc sư Trần Hòa cho biết trong năm 2015, ông và rất nhiều chuyên gia, kiến trúc sư Việt Nam đã đến nhà thờ Đức Bà khảo sát, ghi nhận kết cấu công trình. Điều thán phục nhất là nền móng xây dựng rất đơn giản nhưng lại gánh được một khối lượng trọng tải tòa nhà vượt quá 10 lần.
“Tôi và nhiều chuyên gia khác khảo sát tìm hiểu thì nhận ra việc trùng tu rất khó khăn, nhất là tìm được ngói của hãng Marseille. Theo tìm hiểu, trên thế giới nhiều nơi không sản xuất nữa, chỉ còn vài ngàn viên. Dù vậy vẫn phải trùng tu ngay” - kiến trúc sư Hòa phân tích.
Bình luận (0)